Thời tiết trở lạnh, lượng bệnh khám và điều trị tăng

10:01, 16/01/2024

Thời tiết mùa Đông Xuân và dịp Tết Nguyên đán có sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người nhất là bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.

 

Thời tiết trở lạnh, bệnh nhi đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng khoảng 20%.
Thời tiết trở lạnh, bệnh nhi đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng khoảng 20%.

Thời tiết mùa Đông Xuân và dịp Tết Nguyên đán có sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người nhất là bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.

Ngành y tế Vĩnh Long khuyến cáo người dân cần chủ động, quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe.

Trẻ bệnh về đường hô hấp tăng

Theo ngành y tế Vĩnh Long, những ngày gần đây lượng bệnh nhi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng.

Vì trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh và sức đề kháng yếu, chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của thời tiết nên dễ mắc bệnh. Trong đó, bệnh thường gặp là viêm đường hô hấp cấp, viêm tiểu phế quản, nhiễm siêu vi, mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

Anh Lê Thành Long (TP Vĩnh Long) lo lắng khi con gái 3 tuổi bị ho, sốt, sổ mũi gần 1 tuần chưa giảm. Anh Long cho biết: “Con sốt trên 38 độ C, đưa đi khám thì bác sĩ nói con bị sốt siêu vi, theo dõi tại nhà. Tới ngày thứ 4 con vẫn cứ tái sốt, ho nhiều. Bác sĩ cho thử máu nói con bệnh viêm phế quản do vi khuẩn gây viêm nhiễm, phải điều trị kháng sinh”.

Theo Khoa Nhi BVĐK tỉnh Vĩnh Long, thời tiết trở lạnh thì số bệnh nhi đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng khoảng 20%. Trong đó, bệnh lý về đường hô hấp chiếm đa số như viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, hen phế quản hay viêm phổi, có thể diễn biến phức tạp như suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.

Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK tỉnh Vĩnh Long, hai nhóm bệnh chính mà trẻ thường mắc phải khi thời tiết chuyển lạnh là các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính như viêm hô hấp trên, viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phổi, các bệnh dị ứng đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, hen suyễn. Đặc biệt, thời tiết chuyển lạnh cũng là điều kiện thuận lợi để trẻ em mắc bệnh cúm.

“Trong những ngày trở lạnh này, các bác sĩ lưu ý cha mẹ cần mặc đủ ấm cho trẻ, hạn chế cho trẻ ra ngoài trời. Duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, dinh dưỡng hợp lý theo tuổi và giữ gìn nhà cửa sạch thoáng. Nên chích ngừa cúm, chích vaccine để phòng ngừa phế cầu cho trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước để tránh hiện tượng mất nước, ăn nhiều rau, trái cây để có nhiều vitamin. Không nên cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, tiếp xúc với người mắc bệnh về hô hấp”- BS Chí Công khuyến cáo.

Phòng bệnh cho người già khi thời tiết chuyển mùa

Bên cạnh trẻ nhỏ thì người lớn tuổi đặc biệt là người có bệnh lý nền cũng gặp vấn đề sức khỏe khi thời tiết chuyển mùa như hiện nay.

Nhập viện 3 ngày tại BVĐK Triều An- Loan Trâm, bà Nguyễn Thị Tám (phường Tân Hội, TP Vĩnh Long) cho biết, bà có triệu chứng ho, khó thở thì được người nhà đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán là suy hô hấp.

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Tín- Giám đốc BVĐK Triều An- Loan Trâm, với người cao tuổi, thời điểm này sẽ dễ mắc các bệnh lý về hô hấp thường phức tạp và nguy hiểm hơn ở người trẻ bởi đường hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết của mùa lạnh như dễ bị các bệnh như viêm mũi họng, viêm khí quản, phế quản, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi;…

Ngoài ra, người cao tuổi có nhiều bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi mạn, thận mạn, xương khớp… làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa và lạnh ẩm.

Đáng lưu ý, nhiệt độ giảm sâu khiến nguy cơ đột quỵ gia tăng, đặc biệt ở người cao tuổi. Theo các bác sĩ nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ đột quỵ khi trời lạnh quan trọng nhất là do huyết áp thay đổi đột ngột.

Bệnh đột quỵ cũng gia tăng trong mùa lạnh. Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Khoa Nội Tim mạch- Lão khoa BVĐK tỉnh Vĩnh Long.
Bệnh đột quỵ cũng gia tăng trong mùa lạnh. Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Khoa Nội Tim mạch- Lão khoa BVĐK tỉnh Vĩnh Long.

Các mạch ngoại vi co lại, làm cho áp lực lên mạch máu trung tâm tăng lên dẫn đến nguy cơ xuất huyết não, nhồi máu não. Bên cạnh đó, người cao tuổi mắc huyết áp cao, bệnh nhân tiểu đường, người rối loạn chuyển hóa, người nghiện rượu, nghiện thuốc lá... đều là những người có nguy cơ đột quỵ.

“Với người già, các bác sĩ hướng dẫn không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn, đề phòng đột quỵ trong trường hợp đột ngột ra khỏi mền ấm để đến nhà vệ sinh trong đêm. Người cao tuổi cũng nên chú ý không nên tắm và gội cùng thời điểm, tránh để cơ thể quá lạnh ảnh hưởng tới sức khỏe”- BS Trung Tín khuyến cáo.

Phòng ngừa đột quỵ khi mùa lạnh

Theo BS.CK2 Huỳnh Kim Phương- Trưởng Khoa Nội Tim mạch- Lão khoa BVĐK tỉnh Vĩnh Long, người cao tuổi cần thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi. Và ngay khi cơ thể có những thay đổi nhẹ hoặc huyết áp tăng cao bất thường, ngay lập tức liên hệ với bác sĩ để có thể phải kê đơn và điều chỉnh thuốc.

Khám bác sĩ định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nền thật tốt như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch… Mặc quần áo ấm phù hợp khi đi ra ngoài trời.

Duy trì hoạt động thể dục hợp lý. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: không ăn mặn, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol. Không uống rượu và ăn quá nhiều; không hút thuốc lá và tránh căng thẳng.

Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường,... nếu thấy đột ngột nói khó, liệt nửa người, nhìn mờ một bên mắt, liệt nửa mặt… thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh