Siết chặt quy định về thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ

01:01, 30/01/2024

Bộ Y tế đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong đó, ban soạn thảo đề cập cụ thể quy định cho/nhận tinh trùng, noãn, phôi và các hành vi bị nghiêm cấm.

Bộ Y tế đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong đó, ban soạn thảo đề cập cụ thể quy định cho/nhận tinh trùng, noãn, phôi và các hành vi bị nghiêm cấm.

Vì mục đích nhân đạo

Dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được kỳ vọng sẽ tiếp nối Nghị định 10/2015 của Chính phủ và khắc phục những bất cập hiện nay, tạo thuận lợi cho người dân, hạn chế những hệ lụy có thể xảy ra.

Cần quy định chặt chẽ để ngăn chặn những hệ lụy như hôn nhân cận huyết, loạn luân vô tình,... ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật như mua bán tinh trùng, noãn, phôi, lựa chọn giới tính thai nhi... (Ảnh minh họa)
Cần quy định chặt chẽ để ngăn chặn những hệ lụy như hôn nhân cận huyết, loạn luân vô tình,... ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật như mua bán tinh trùng, noãn, phôi, lựa chọn giới tính thai nhi... (Ảnh minh họa)

Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 29 điều: Những quy định chung; Quy định về việc cho và nhận tinh trùng, noãn, phôi; Thẩm quyền, thủ tục cho phép cơ sở khám, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; v…v…

Theo dự thảo, cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện; những người liên quan được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.

Người cho tinh trùng, noãn chỉ cho tại một cơ sở khám, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận; được khám và làm các xét nghiệm để xác định không bị bệnh di truyền ảnh hưởng thế hệ sau.

Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công thì mới sử dụng cho người khác.

Người nhận tinh trùng phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng, hoặc là phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con.

Người nhận noãn phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người vợ. Còn người nhận phôi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh từ cả vợ chồng.

- Người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh đã thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bị thất bại, trừ trường hợp mang thai hộ.

- Phụ nữ độc thân không có noãn, hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.

Dự thảo cũng đề cập các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

- Quảng cáo, môi giới hoặc tổ chức, thực hiện mua, bán tinh trùng, noãn, phôi, mang thai hộ vì mục đích thương mại.

- Lạm dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khi không có chỉ định.

- Chẩn đoán và lựa chọn giới tính phôi, thai nhi.

- Quảng cáo, môi giới dịch vụ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khi chưa được Bộ Y tế công nhận.

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế)
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế)

Dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đang được Bộ Y tế tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Hành lang pháp lý quan trọng

Dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ khắc phục những bất cập hiện nay ra sao và định hướng phát triển công tác hỗ trợ sinh sản như thế nào? PV VOV Giao thông phỏng vấn ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định.

PV: Xin ông cho biết về sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị định này?

Ông Đinh Anh Tuấn: Nghị định 10 năm 2015 của Chính phủ, quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, và Thông tư 57 là những hành lang pháp lý quan trọng giúp công tác hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam được phát triển như ngày nay, mang lại rất nhiều hạnh phúc cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.

Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống hỗ trợ sinh sản trên toàn quốc đã quá lớn cả về số lượng và chất lượng, rất nhiều kỹ thuật mới, phương pháp mới được áp dụng. Chính vì thế, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 10.

Thứ nhất để thực hiện chủ trương tăng cường hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương; tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các kỹ thuật cao.

Thứ hai, quy định toàn diện hơn, chặt chẽ hơn để ngăn chặn những hệ lụy, không bị lợi dụng những kỹ thuật đó để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ việc cho, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì rất có thể các em bé sinh ra có chung huyết thống hoặc quan hệ gần, có thể dẫn đến hôn nhân cận huyết hoặc loạn luân vô tình.

Những nước đi trước chúng ta, như Hà Lan, mới đây đã truy tố một người đàn ông làm “cha” sinh học của hơn 500 đứa trẻ. Ngoài ra, cơ quan công an liên tục khởi tố các vụ án liên quan mua, bán tinh trùng, noãn, phôi, mang thai hộ vì mục đích thương mại (hay còn gọi là đẻ thuê).

Xa hơn nữa rất có thể là buôn bán nội tạng, buôn trẻ em rất có thể xảy ra. Nếu chúng ta quy định một cách chặt chẽ thì hệ lụy như vậy có thể được ngăn chặn.

Còn một nhiệm vụ nữa của Nghị định này. Luật Hôn nhân và gia đình quy định hỗ trợ sinh sản gồm 2 kỹ thuật: thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) và thụ tinh trong ống nghiệm.

Nghị định 10 trước đây mới quy định hiến, nhận tinh trùng đối với thụ tinh trong ống nghiệm thôi, chứ chưa quy định đối với bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Chính vì thế, trong Nghị định này, chúng tôi mong muốn sẽ thực hiện nhiệm vụ luật hiến, ghép mô tạng đã giao Chính phủ.

PV: Dự thảo Nghị định hướng tới việc tạo điều kiện tốt nhất cho người dân cũng như cơ quan quản lý như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Anh Tuấn: Chúng tôi dự định thực hiện việc phân cấp, phân quyền, cái gì thuộc về địa phương thì giao cho địa phương, cái gì thuộc về bộ, ngành thì giao cho bộ, ngành.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, lĩnh vực này rất đặc biệt, nếu cứ đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người là cho làm thụ tinh trong ống nghiệm thì sẽ “trăm hoa đua nở”.

TS. BS. Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP)
TS. BS. Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP)

Trong bối cảnh chúng ta chưa thể liên thông giữa các cơ sở; chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong việc quản lý; chưa kiểm soát được tình trạng lợi dụng để chẩn đoán giới tính thai nhi; chưa kiểm soát được việc cho, nhận tinh trùng hay là trá hình mua, bán,… thì rất có thể dẫn đến hệ lụy nếu chúng ta không quản lý chặt.

Chính vì vậy, các nhà khoa học đang đề nghị tạm thời chưa phân cấp, nên Nghị định tạm xin Chính phủ lùi lại để nghiên cứu tiếp.

Định hướng thứ hai, chúng tôi muốn bảo vệ quyền của người dân được thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Ví dụ, trước đây, những người nhiễm HIV không được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Thế nhưng, hiện nay, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng những người mắc bệnh này nếu được điều trị ổn định thì khả năng lây truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau gần như bằng không, nên chăng những đối tượng này cũng được thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đảm bảo quyền của họ.

Một số trường hợp nữa, cặp vợ chồng đã có phôi đang trữ lạnh rồi, nhưng chẳng may người chồng qua đời, thì người vợ có được dùng phôi của người chồng đó để sinh ra đứa con của cả hai vợ chồng không? Ví dụ người ta có phôi, tinh trùng ở cơ sở này, người ta muốn chuyển sang cơ sở khác thì có được chuyển không? Chúng tôi hy vọng Nghị định này có thể giải quyết được.

Một điều nữa cũng rất quan trọng, chúng tôi dự định đưa các hành vi bị cấm để nhân viên y tế, nhà quản lý và mọi người dân đều biết được.

Những trường hợp nào được cho, nhận tinh trùng; các cơ sở nào được phép lưu trữ, điều kiện như thế nào; đặc biệt là điều kiện về quản lý,… tất cả cái đó chúng tôi mong muốn đưa vào Nghị định này hoặc thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định mới này.

PV: Xin cảm ơn ông.

Bí mật nhưng phải đảm bảo an toàn

Những quy định trong dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã phù hợp chưa và cần điều chỉnh những gì? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với TS. BS Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) về nội dung này.

PV: Bà đánh giá thế nào về các nội dung được đề cập trong dự thảo Nghị định?

TS. BS Hoàng Tú Anh: Tôi nghĩ đây là quy định rất phù hợp nhu cầu xã hội. Với những vấn đề như hiếm muộn, nhóm các bạn có xu hướng tình dục đồng tính, mẹ đơn thân, cha đơn thân,…thì những hướng dẫn, hành lang pháp lý như thế này rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ có một số vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, dự thảo nhấn mạnh khía cạnh gia đình, là các cặp vợ chồng hiếm muộn, chỉ nói đến vai trò của phụ nữ mà chưa nói đến nam giới.

Tuy nhiên, xã hội hiện đại có những người muốn làm cha, làm mẹ đơn thân. Đặc biệt là những cặp đồng tính nam, đồng tính nữ chẳng hạn, nếu mình chỉ đề cập đơn thân thì sau này sẽ ảnh hưởng quyền lợi của cặp đấy cũng như quyền lợi của đứa trẻ.

Thứ hai, có những điều mà mọi người rất lo ngại là những nguy cơ bị lợi dụng buôn bán tinh trùng, trứng, thậm chí buôn bán bào thai, buôn bán trẻ sơ sinh,… Do đó, những quy định của pháp luật phải rất chặt chẽ để kiểm soát.

Ở đây phải cân đối được tính bí mật nhưng cũng phải đảm bảo an toàn. Ví dụ một người cho quá nhiều tinh trùng, mình có luật kết hợp công nghệ thì sẽ hạn chế được.

Tôi nghĩ sau này sẽ quản lý hồ sơ số, mỗi người có một ID hoặc số định danh rõ ràng, thì tất cả lịch sử sử dụng dịch vụ được thể hiện trong đó. Tất nhiên là phải quy định rất chặt chẽ ai mới được quyền tiếp cận.

Rồi những phòng khám tư nhân cũng làm được chẳng hạn, thì khả năng kiểm soát sẽ khó hơn. Ví dụ, dù mình đã cấm lựa chọn giới tính khi sinh, nhưng thực tế đã có. Vừa rồi tôi đã rất ngạc nhiên khi một bạn rất nổi tiếng nói rằng đã dùng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để có một thai đôi một nam, một nữ.

Người nổi tiếng mà tuyên bố như thế thì nó sẽ tạo ra nhiều hệ lụy. Đó là những điều trong luật phải có chế tài.

Thứ ba, tôi nghĩ về những quy định có sự tham gia của tòa án có thể chặt chẽ hơn, ví dụ trường hợp nào cần có phán quyết của tòa, sẽ rõ ràng và minh bạch hơn.

PV: Theo bà, nếu dự thảo Nghị định này được ban hành thì sẽ có tác động xã hội như thế nào?

TS. BS Hoàng Tú Anh: Nó là một dự thảo rất tiến bộ vì đáp ứng được những nhu cầu của xã hội. Trước mắt tôi thấy được những người có thể hưởng lợi là hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, gần 3 triệu người đồng tính đang gặp khó khăn trong việc có con, hay những người muốn làm mẹ đơn thân, cha đơn thân, những nhóm người khuyết tật,…

Tuy nhiên, đây là những kỹ thuật đắt tiền, có phải chỉ có những người có điều kiện mới sử dụng được không? Hay là có những cơ chế nào để hỗ trợ những người có nhu cầu mà không có điều kiện kinh tế vẫn có thể tiếp cận, kỹ thuật này phải đưa vào bảo hiểm chẳng hạn.

Ngoài ra, như tôi đã nói, nó cũng có những nguy cơ và hệ lụy. Một số quy định về kỹ thuật thì tương đối chi tiết, nhưng những tác động hay hệ lụy thì nó lại không nằm ở phần kỹ thuật, mà nó nằm ở phần quản lý.

Chúng ta làm thế nào để hệ thống vừa minh bạch, vừa bảo vệ được những người tham gia. Đó là một bài toán rất khó, phải kết hợp cả giáo dục dân trí, sử dụng công nghệ.

Việt Nam hiện tại vẫn đang mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng hiếm muộn tăng, nguy cơ những người phụ nữ yếu thế bị lợi dụng cũng có thể xảy ra.

Ở các địa phương, mình xác định được nhóm phụ nữ yếu thế hoặc những nhóm có nguy cơ bị lợi dụng, các bạn sinh viên nghèo chẳng hạn có thể bị lôi kéo bán trứng, bán tinh trùng, để có những hoạt động giáo dục và các biện pháp dự phòng khác.

PV: Xin cảm ơn bà!

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1998 và đến nay đã có 147.000 trẻ ra đời từ kỹ thuật này, cùng khoảng 400 trẻ ra đời bằng kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Hiện toàn quốc có 54 cơ sở được công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, 7 bệnh viện được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Ngày 12/2/2003, Nghị định 12 về sinh con theo phương pháp khoa học được Chính phủ ban hành, sau đó thay thế bằng Nghị định 10 ngày 28/1/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Sau 8 năm thực hiện Nghị định 10/2015 đã bộc lộ một số hạn chế, cần thiết nghị định mới thay thế với những quy định thiết thực, hợp lý hơn với sự phát triển của xã hội, tạo điều kiện cho những gia đình đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý có cơ hội đón những đứa con của mình.

Theo Minh Hiếu/vovgiaothong.vn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh