Chủ động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đón Tết an toàn

01:01, 26/01/2024

"Chúng ta không lo lắng nhưng phải chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm đón Tết an toàn"- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh như vậy tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2024 diễn ra ngày 24/1.

 

 

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, nóng ấm, mưa nhiều, nguy cơ lây lan các dịch bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết... rất lớn.
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, nóng ấm, mưa nhiều, nguy cơ lây lan các dịch bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết... rất lớn.

“Chúng ta không lo lắng nhưng phải chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm đón Tết an toàn”- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh như vậy tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2024 diễn ra ngày 24/1.

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian cuối năm 2023, đầu năm 2024 nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia trong khu vực đã ghi nhận gia tăng số mắc, nhập viện do COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới, trong tháng 12/2023 thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/2023. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa ổn định.

Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus liên tục biến đổi, gần nhất là biến thể JN.1 (12/2023) đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác…

Theo TS.BS Hoàng Minh Đức- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, các tuần đầu năm 2024, nước ta ghi nhận trên 400 ca mắc COVID-19 mới, gấp 2,7 lần so với thời điểm tương tự liền kề trước đó. Số ca nhập viện tăng nhưng không có trường hợp nặng.

Báo cáo tại hội nghị, bà Lê Hồng Nga- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, cho biết qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, đã phát hiện biến thể phụ JN.1 ở các bệnh nhân nhập viện trong tháng 12/2023 trên địa bàn.

Cũng theo Bộ Y tế, biến thể mới JN.1 chưa có gì thay đổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 thành 4 nhóm: biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu rõ, theo phân loại của WHO, biến thể JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của chủng Omicron, thuộc nhóm biến thể cần quan tâm, không có bằng chứng độc lực tăng lên dù số ca mắc có dấu hiệu tăng, nhưng sẽ không gây bệnh nặng.

Song, những người thuộc nhóm nguy cơ cao (có bệnh nền, sức đề kháng kém) không nên chủ quan. “Chúng ta không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng”- ông Hoàng Minh Đức nhấn mạnh.

Về dịch bệnh đậu mùa khỉ, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước ghi nhận 137 ca mắc (2 ca ghi nhận năm 2022), 6 ca tử vong; các trường hợp mắc và tử vong đều ghi nhận tại khu vực phía Nam, chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh. Các ca mắc chủ yếu là nam (98,5%), tuổi trung bình khoảng 31; trong đó 70% là MSM và 55% ca bệnh nhiễm HIV.

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Trong năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các ca mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, bệnh truyền nhiễm mới nổi tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, bên cạnh phòng, chống dịch COVID-19, đã xuất hiện một số bệnh mới nổi, bệnh tái nổi như tay chân miệng, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết. Đây là gánh nặng lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Cục Y tế dự phòng cho biết, trong dịp Tết sắp tới, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thời tiết có nhiều khắc nghiệt, biến đổi thất thường. Đây là các tác nhân làm gia tăng bệnh đường hô hấp, đặc biệt ở người già, người có bệnh mãn tính, trẻ em…

“Chúng ta không lo lắng, lo sợ nhưng phải chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm đón Tết an toàn, cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh dự phòng, giám sát và kiểm soát dịch; tăng cường giám sát thường xuyên để xử lý kịp thời, triệt để. Cơ sở y tế tổ chức thu dung, điều trị tốt bệnh nhân. Người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ sức khỏe và thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch.

Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 01/CT-BYT về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các dịch bệnh thường xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh