Do nhu cầu giao thương dịp cuối năm tăng cao, cùng với thời tiết đang vào giai đoạn mùa Đông Xuân nên các dịch bệnh truyền nhiễm (lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có COVID-19) xuất hiện và lây lan ở nhiều nơi. Ngành y tế tăng cường chủ động phòng bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Sự thay đổi thời tiết vào dịp cuối năm là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dễ mắc bệnh hơn. |
Do nhu cầu giao thương dịp cuối năm tăng cao, cùng với thời tiết đang vào giai đoạn mùa Đông Xuân nên các dịch bệnh truyền nhiễm (lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có COVID-19) xuất hiện và lây lan ở nhiều nơi. Ngành y tế tăng cường chủ động phòng bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Phòng bệnh viêm đường hô hấp
Thời tiết chuyển mùa, se lạnh là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp phát triển mạnh. Đây là bệnh có nguy cơ chuyển biến nặng, nhất là với trẻ em, người có bệnh nền mạn tính, người cao tuổi (NCT).
Theo BS.CK2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Vĩnh Long, viêm phổi ở NCT là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính ở phổi do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó đa số là do nhiễm vi khuẩn, virus. Trung bình NCT ở Việt Nam có 4-5 bệnh nền, ít nhiều đã sẵn có những tổn thương ở biểu mô đường hô hấp nên khi mắc viêm phổi bệnh diễn tiến nặng hơn.
Viêm phổi ở NCT thường tiến triển nặng hơn so với người trẻ tuổi, khi bệnh đôi khi không có biểu hiện đầy đủ các triệu chứng, không sốt hoặc sốt nhẹ. Ở NCT hệ miễn dịch bị suy giảm nên khi bị virus, vi khuẩn tấn công sẽ không có phản ứng sốt.
Nhiều trường hợp người bệnh chỉ ho, cảm lạnh thông thường, sau vài ngày sốt cao, khó thở, ho nhiều, khạc có đàm mủ. Khi vào bệnh viện, người bệnh được phát hiện có tổn thương phổi do virus cúm, phế cầu khuẩn làm bệnh nặng hơn, tăng nguy cơ tử vong nếu không điều trị kịp thời.
“Do đó, khi NCT có các dấu hiệu ho nhẹ, khó chịu, thậm chí không ho, không có đàm hoặc ít đàm nhưng lại thở nhanh, thở gấp hơn bình thường, đi lại dễ ngã, tinh thần lú lẫn… cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh, việc điều trị phải do bác sĩ chỉ định, không tự ý mua thuốc điều trị, nhất là kháng sinh vì không đúng liều rất dễ gây kháng thuốc”- BS Thanh Đức khuyến cáo.
Theo ngành y tế Vĩnh Long, thời tiết chuyển lạnh những ngày qua, số trẻ đến khám và điều trị tại các bệnh viện liên quan các bệnh lý đường hô hấp (nhiễm siêu vi, hen suyễn, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản...) tăng hơn 30%.
Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo, đa phần những bệnh do thời tiết chuyển lạnh ở trẻ sẽ tự giới hạn và khỏi sau vài ngày điều trị. Song, nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ có nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Đáng lưu ý, viêm phổi là bệnh dễ gặp nhất ở trẻ vào thời điểm này, bệnh tiến triển rất nhanh. Do vậy, cha mẹ cần theo dõi chặt diễn biến sức khỏe của trẻ để có thể phát hiện bệnh sớm nhất.
“Ba mẹ và người thân cần biết cách chăm sóc đúng cách để phòng bệnh hô hấp cho trẻ trong giai đoạn này như tránh tiếp xúc nguồn lây bệnh, giữ ấm đường thở cho trẻ, chú ý bổ sung dinh dưỡng để tăng cường đề kháng, vệ sinh thân thể đúng cách, đảm bảo ngủ đủ giấc...”- BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi, Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, cho biết.
Phòng bệnh cúm H5N1 dịp cận Tết
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những ngày cận Tết cũng là lúc nhu cầu mua bán gia cầm tăng cao hơn so với bình thường, có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cúm A/H5N1 ở người. Cuối tháng 11/2023, tại Campuchia đã ghi nhận thêm 2 ca mắc bệnh cúm A/H5N1, nâng tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay là 6 ca, trong đó có 4 ca tử vong tại quốc gia này.
Virus H5N1 thường tồn tại ở gia cầm hoặc chim hoang dã, có thể lây lan cho người, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.
Các triệu chứng nhiễm bệnh ở người gồm sốt cao trên 38 độ C, khó chịu, ho, đau họng, đau cơ. Một số bệnh nhân có thể bị đau bụng, tức ngực và tiêu chảy. Nhiễm virus ban đầu có thể tiến triển nhanh chóng thành bệnh hô hấp nghiêm trọng, với các biểu hiện như khó thở, thở gấp, viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính. Người bệnh cũng gặp các thay đổi về thần kinh, chẳng hạn co giật.
Ngoài ra, ngành y tế lo ngại về nguy cơ tăng ca bệnh COVID-19 dịp cuối năm. Trên thế giới, số ca bệnh tăng nhẹ trong tháng trước, biến thể mới JN.1 đang dần phổ biến ở nhiều nước với tính lây truyền cao hơn. Hiện vẫn chưa có bằng chứng về sự tăng nặng nguy cơ với sức khỏe cộng đồng của biến thể phụ này so với các biến thể trước đó.
Ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chủ động đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, địa điểm tập trung đông người. Thường xuyên rửa tay bằng xà bông hoặc dung dịch sát khuẩn; vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, nâng cao thể trạng;...
Tiêm vaccine đối với các bệnh đã có vaccine phòng ngừa như cúm, COVID-19. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa cúm gia cầm lây sang người, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm bệnh, chết, không rõ nguồn gốc. Chọn lựa nơi mua gia cầm đáng tin cậy, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG