Nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe

01:12, 29/12/2023

"Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh"- là chủ đề ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh năm 2023 do Bộ Y tế đưa ra. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng đối với việc phòng, chống dịch bệnh.

 

Người dân tích cực diệt muỗi, lăng quăng và ngừa muỗi đốt để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Người dân tích cực diệt muỗi, lăng quăng và ngừa muỗi đốt để phòng bệnh sốt xuất huyết.

“Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh”- là chủ đề ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh năm 2023 do Bộ Y tế đưa ra. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng đối với việc phòng, chống dịch bệnh.

Việt Nam đối mặt với nguy cơ lây lan nhiều loại dịch bệnh

Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến khó lường, phức tạp trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch có xu hướng tăng tần suất xuất hiện, cùng với đó là rất nhiều biến chủng, biến thể mới liên tục biến đổi qua thời gian.

Các bệnh lưu hành như: sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), sởi gia tăng đáng kể. Số ca mắc SXH tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua với ước tính nửa dân số trên thế giới có nguy cơ mắc mỗi năm. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 149.557 trường hợp mắc SXH, 36 trường hợp tử vong.

Ngoài 2 tuýp virus Dengue lưu hành chủ yếu là D1 và D2, kết quả giám sát mới đây ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh SXH. Dự đoán trong thời gian tới, tình hình dịch vẫn có diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như thời tiết, biến đổi khí hậu.

Năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia.

“Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cảnh báo khi phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh năm 2023, do Bộ Y tế tổ chức ngày 27/12.

Đồng thời khẳng định, Bộ Y tế tiếp tục chủ động đẩy mạnh tiếp cận an ninh y tế toàn cầu trong phòng, chống dịch để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các cơ chế hợp tác song phương, đa phương trên cơ sở phối hợp liên ngành, đa lĩnh vực, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam, cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với đại dịch hoặc tình huống khẩn cấp về dịch bệnh.

Bộ Y tế cũng đề nghị các ngành, địa phương phối hợp, chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và huy động toàn xã hội, các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia công tác phòng chống dịch, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh.

Nhân ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh năm nay, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã đưa ra thông điệp hưởng ứng “Từ bài học của đại dịch COVID-19, hãy cùng nhau hành động cho một thế giới khỏe mạnh hơn, bình đẳng hơn”.

Ý thức phòng bệnh truyền nhiễm

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt.

“Trong thời gian qua, ngành y tế còn tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng chống các bệnh truyền nhiễm như SXH, TCM, sởi, thủy đậu, đau mắt đỏ… đến người dân để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi chủ động phòng tránh; nâng cao hiệu quả công tác điều trị.

Nhờ vậy mà năm 2023, các bệnh truyền nhiễm xảy ra trên địa bàn tỉnh đều nhanh chóng được khống chế, không để lây lan trên diện rộng”- Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết mùa đông- xuân, đặc biệt vào dịp lễ hội đầu năm, nghỉ Tết, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn khiến con người, nhất là những người sức khỏe yếu (người già, trẻ em, phụ nữ mang thai…) không thích nghi kịp sẽ dễ bị mắc bệnh.

Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này rất thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), SXH…

Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và toàn xã hội, phòng chống tốt bệnh truyền nhiễm, BS.CK2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK Vĩnh Long khuyến cáo người dân cần rửa tay thường xuyên; vệ sinh cá nhân nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển; ăn chín, uống sôi; thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng; tiêm vaccine phòng bệnh.

“Giữ ấm cơ thể; TDTT; nâng cao thể trạng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời. Người dân thực hiện 2K (Khẩu trang- khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;…”- BS Thanh Đức khuyến cáo.

Trong năm 2023, tại Vĩnh Long, số ca mắc và tử vong của bệnh COVID-19 giảm nhiều so với năm 2022, với 1.100 ca mắc và 5 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc giảm 54 lần (1.100/58.947 ca) và số ca tử vong giảm 95 lần (5/473 ca). Đáng lưu ý, bệnh SXH giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.890 ca bệnh, trong đó có 1 ca tử vong.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh