Đây là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023. Chủ đề này nhấn mạnh như một lời kêu gọi cả cộng đồng tham gia phòng chống HIV/AIDS với cách làm sáng tạo và khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Các buổi truyền thông trực tiếp về chủ đề HIV/AIDS được các trạm y tế tổ chức thường xuyên. |
Đây là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023. Chủ đề này nhấn mạnh như một lời kêu gọi cả cộng đồng tham gia phòng chống HIV/AIDS với cách làm sáng tạo và khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Đẩy lùi và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch HIV với gần 250.000 người nhiễm HIV. Đại dịch từng bước được khống chế, kiểm soát nhưng những năm gần đây xu hướng dịch có dấu hiệu thay đổi, dịch tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi (từ 15-29 tuổi), các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 80%.
Phát biểu tại lễ mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành và các địa phương trên cả nước tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện.
Qua đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại, điều trị HIV; cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ các dịch vụ HIV có chất lượng. Huy động nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt là Quỹ BHYT chi trả cho các dịch vụ về điều trị HIV/AIDS. Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật giúp Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh HIV/AIDS là một trong những giải pháp luôn được Vĩnh Long chú trọng trong thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030. Thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền, cổ động được tổ chức cũng là để thu hút sự quan tâm của cộng đồng, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV. Đồng thời, tạo phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực tham gia công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Khống chế HIV- tiến tới chấm dứt bệnh AIDS
Những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS tại Vĩnh Long đạt được nhiều kết quả khả quan.
Số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh được quản lý và điều trị ngày càng tăng. Việc điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV đã giúp họ ổn định sức khỏe, tâm lý để hòa nhập với cuộc sống bình thường. Nhiều người nhiễm HIV không lây cho vợ, chồng; nhiều cặp vợ chồng vẫn có thể sinh con không bị nhiễm HIV.
Thực hiện công tác truyền thông, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, từ đầu năm đến nay, ngành y tế Vĩnh Long tổ chức trên 500 cuộc tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về phòng chống HIV/AIDS, cho trên 7.600 người dân trong tỉnh.
Thông qua các cuộc tuyên truyền, giúp người dân hiểu các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; tình hình lây nhiễm HIV và các biện pháp phòng chống mà còn góp phần giảm phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Chị Lưu Thị Ngọc Diễm (xã Phú Đức, huyện Long Hồ) cho biết: “Qua buổi tuyên truyền tại trạm y tế xã giúp tôi biết các con đường lây truyền HIV từ máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Tôi sẽ tích cực tuyên truyền cho người thân và gia đình tôi có các biện pháp phòng chống HIV”.
Chị Nguyễn Thùy Dương (xã Thành Trung, huyện Bình Tân) cho biết: “Tôi đến bệnh viện khám thai, bác sĩ có tư vấn cho tôi xét nghiệm tầm soát HIV. Tôi đồng ý bởi vì xét nghiệm HIV để mình biết và tầm soát cho con mình khỏe mạnh”.
Theo ngành y tế, đến nay số người nhiễm HIV được phát hiện tại 107 xã, phường trong tỉnh. Từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên của tỉnh đến nay, toàn tỉnh phát hiện trên 4.090 trường hợp nhiễm HIV.
Trong đó, có hơn 1.630 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và hơn 875 người tử vong. Riêng gần 11 tháng của năm 2023, tỉnh phát hiện 267 trường hợp nhiễm HIV mới, tất cả các trường hợp nhiễm được đưa vào điều trị ARV, điều trị dự phòng lao.
Thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- BS Huỳnh Thanh Tân, ngành y tế tăng cường hơn nữa sự tham gia của cả hệ thống y tế, bao gồm cả hệ thống y tế công và tư trên địa bàn trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS.
“Vĩnh Long triển khai mạnh mẽ, toàn diện nhiều giải pháp thiết thực theo hướng nâng cao nhận thức cộng đồng, tiếp cận toàn diện, cung cấp dịch vụ dự phòng để khống chế sự lây nhiễm HIV và chuyển sang giai đoạn AIDS của người nhiễm HIV. Chú trọng truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên”- BS Huỳnh Thanh Tân cho biết.
“Hình thái nhiễm HIV/AIDS; HIV mới vẫn còn tập trung ở nhóm nam nhiều hơn nữ, trong 267 trường hợp nhiễm HIV mới năm 2023 có 219 trường hợp là nam giới, đa số thuộc độ tuổi từ 25-49 tuổi. Dự báo tình hình lây nhiễm HIV qua đường tình dục đồng giới (MSM) có chiều hướng tiếp tục tăng và tăng hơn nữa trong thời gian tới nếu không thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại trong nhóm người nhiễm mới này và truyền thông kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng”- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lưu ý. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN