Bảo vệ trẻ trước những làn khói độc

03:12, 05/12/2023

Theo các bác sĩ, việc thường xuyên hít phải khói thuốc lá (TL) sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ hô hấp, tim mạch và sự phát triển trí tuệ của trẻ.

 

Trẻ em thở khí dung điều trị bệnh viêm phổi tại BVĐK Vĩnh Long.
Trẻ em thở khí dung điều trị bệnh viêm phổi tại BVĐK Vĩnh Long.

Theo các bác sĩ, việc thường xuyên hít phải khói thuốc lá (TL) sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ hô hấp, tim mạch và sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Hầu hết các bà vợ thường rất khó chịu khi các ông chồng hút TL. Điều này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của chồng mà còn tránh gây ảnh hưởng đến người thân trong gia đình bởi làn khói TL thụ động không kém phần độc hại. Nhất là trẻ em là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về cả sức khỏe và trí tuệ.

Chị Hạ Nghi (TP Vĩnh Long) rất khó chịu mỗi khi thấy chồng mình hút TL. Dù đã khuyên nhiều năm, nhưng chồng chị chỉ giảm hút chứ không bỏ hẳn.

“Về nhà là ảnh không hút TL vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe con nhỏ, nhưng khói TL mà ảnh hút khi đi làm hay ra ngoài vẫn còn bám trên hơi thở, quần áo. Về nhà, con gái mừng, ôm ba cũng hít khói TL thụ động, lâu ngày dài tháng cũng sẽ không tốt cho con”- chị Nghi thở dài.

Đón con tại Trường Tiểu học Nguyễn Du, chị Phương Thảo bức xúc khi có những phụ huynh chờ rước con cháu lại vô tư nhả khói. “Họ ngồi trên xe hút bất kể có phụ nữ đứng bên cạnh. Thậm chí tụi nhỏ tan trường mà có người trên tay còn cầm điếu TL. Vừa nguy hiểm có khi phỏng khi có đông tụi nhỏ lỡ đụng trúng tàn TL phỏng và tụi nhỏ phải bị hút khói TL thụ động độc hại ấy”- chị Thảo bức xúc.

Còn bé Xuân Nguyên (lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Du) kể: “Con thấy tội nghiệp mấy bạn ngồi trên xe mà có ba hút TL. Chắc do ba mấy bạn đó hổng biết khói TL độc hại cho trẻ em sẽ bị bệnh ung thư, bệnh phổi, nguy hiểm lắm. Bữa dừng đèn đỏ, có chú hút TL, con ráng nín thở chịu đựng chút để không bị hít khói độc”.

Mỗi năm, ước tính trên thế giới có khoảng 165.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút TL thụ động gây ra. Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có tới 40% trẻ em thường xuyên phải tiếp xúc với khói TL. Đây cũng là lý do khiến các bệnh lý ở trẻ nhỏ đặc biệt là hô hấp luôn ở mức cao.

Chăm con trai bị viêm phổi tại Khoa Nhi, BVĐK Vĩnh Long, chị Lê Thị Hồng Lan (xã An Bình, huyện Long Hồ) thở dài: “Hễ thay đổi thời tiết là con bị bệnh. Kỳ này nằm viện 5 ngày phải thở thêm khí dung. Bác sĩ nói một phần bé bệnh do ở nhà bị hít khói TL thụ động. Chị khuyên ba bé giảm TL mà chưa được, hy vọng con bệnh rề rà hoài, cha thương con mà bỏ được TL”.

Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, ở trẻ em bị bởi khói TL thụ động làm ảnh hưởng quá trình miễn dịch của trẻ khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, hen, viêm phổi khò khè kéo dài, viêm tai giữa, giảm trí thông minh, khóc quấy, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi, chức năng tâm thần vận động, giảm chiều cao và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Hít phải khói TL thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ. Nếu tiếp xúc khói TL thụ động lâu ngày thì có thể dẫn đến viêm phổi, lao phổi, ung thư phổi.

Đặc biệt, khi phụ nữ mang thai dù chủ động hay bị động mà hít phải khói TL, chất nicotine và chất độc khác đi qua phổi, vào trong máu và trực tiếp ảnh hưởng em bé gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, những người phụ nữ khi hút TL không chỉ gặp khó khăn khi thụ thai mà còn có thể làm suy yếu khả năng duy trì thai nhi trong bụng mẹ, có khả năng sảy thai dù ở bất kỳ tháng nào của thai kỳ.

“Ảnh hưởng của khói TL thụ động cũng gây tác hại không kém so với hút TL trực tiếp. Đối với trẻ em có cha hoặc mẹ hút TL rất dễ nhiễm trùng hô hấp so với cha mẹ không hút TL. Những người phụ nữ thường xuyên hít phải khói TL sẽ dễ bị tai biến sản khoa hơn người bình thường, dễ bị sinh non, vỡ ối sớm, sinh con thiếu tháng, khả năng mang thai không lành mạnh về nhiễm sắc thể…

Các bác sĩ mong muốn, các phụ huynh nên hiểu rõ tác hại vô cùng nguy hiểm của TL đối với sự phát triển của thai nhi, trẻ em, để có những hành động quyết liệt hơn, bảo vệ những đứa con của mình”- BS Thu Hằng nhấn mạnh.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, việc tránh đi chỗ khác hút TL hay không hút TL trong nhà khi có trẻ em gần như không có tác dụng, bởi khói TL có thể tồn tại trong không khí, trong hơi thở ít nhất 5 giờ đồng hồ kể cả khi không còn nhìn thấy và ngửi thấy. Thậm chí về lâu dài, các chất gây ung thư trong khói TL sẽ bám vào các đồ vật trong nhà kể cả khi người hút không còn hút TL. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho chính con em mình là nói không với TL.

Bài, ảnh: MAI ANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh