Thuốc lá "tàn phá" sức khỏe răng miệng

02:11, 24/11/2023

Theo các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, phần lớn những người hút thuốc lá (TL), đặc biệt là người hút lâu năm đều gặp phải tình trạng răng bị vàng, ố, môi thâm. Thực tế, hút TL còn gây ra nhiều bệnh lý về răng miệng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.

 

 

Thuốc lá không những là nguy cơ gây bệnh cao mà còn làm chậm quá trình hồi phục của các bệnh răng miệng.
Thuốc lá không những là nguy cơ gây bệnh cao mà còn làm chậm quá trình hồi phục của các bệnh răng miệng.

Theo các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, phần lớn những người hút thuốc lá (TL), đặc biệt là người hút lâu năm đều gặp phải tình trạng răng bị vàng, ố, môi thâm. Thực tế, hút TL còn gây ra nhiều bệnh lý về răng miệng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.

Dù mới 42 tuổi, nhưng hàm răng của anh N.T.L. (TP Vĩnh Long) bị ố vàng, nhiều răng đã bị mất, bị lung lay, ảnh hưởng đến chức năng nhai.

“Răng rụng mất hết 4 cây ngay mặt tiền nhưng làm phụ hồ, kiếm cơm mỗi ngày nên tui cũng kệ, không đi trồng răng lại. Giờ thêm mấy cây lung lay, ăn nhai khó nên tui đi khám thì bác sĩ nói nguyên nhân tui hút nhiều TL quá nên ảnh hưởng tới răng. Dù biết hút TL hơi thở tui cũng có mùi, vợ con có góp ý nhưng thiếu thuốc tui cũng chịu không được”- anh L. bức rức.

Hút TL cũng là nguyên nhân chính dẫn đến rất nhiều vấn đề về răng miệng. Theo thống kê y khoa, những người hút TL sẽ dễ mắc các bệnh về răng miệng nhiều gấp 3-6 lần và nguy cơ bị mất răng là rất cao, cao gấp 2 lần so với người không hút.

Trong TL có 3 thành phần chính ảnh hưởng đến khoang miệng là: nicotin, monoxyd de carbon và acid cyanhydrid. Các chất này gây co mạch ngoại vi, ảnh hưởng tới việc làm lành vết thương, giảm miễn dịch, giảm nồng độ oxygen trong mô, mất thăng bằng hệ vi khuẩn miệng, giảm lưu lượng máu trong xương ổ răng, giảm nồng độ kháng thể trong nước bọt và máu…

Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng TL là nguyên nhân gây viêm quanh răng với những triệu chứng tụt nướu, mất bám dính, tiêu xương và cuối cùng là mất răng. Nguy hiểm hơn, hút TL làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến tử vong.

Đây cũng là lần đầu tiên ông T.V.V. (TT Long Hồ) đi BVĐK Vĩnh Long khám răng. “Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định bị viêm xung quanh răng rất nhiều, dù cũng đánh răng, súc miệng”- ông V. cho biết.

Theo bác sĩ Võ Tuấn Vi- Khoa Răng hàm mặt (BVĐK Vĩnh Long), nhiều bệnh nhân bị viêm quanh răng do hút TL nhiều năm. TL không những là nguy cơ gây bệnh cao mà còn làm chậm quá trình hồi phục của các bệnh răng miệng. “Có bệnh răng đang bị lung lay là đã chuyển sang thể nặng, cần phải điều trị trong thời gian dài. Muốn điều trị được hiệu quả, người bệnh phải dừng hẳn việc hút TL để quá trình chữa lành vết thương được cải thiện rõ rệt nhất”- BS Tuấn Vi cho biết.

Ngoài ra, hút TL trong thời gian dài sẽ gây ám khói TL lên răng, từ đó làm đổi màu răng ảnh hưởng đến mặt thẩm mỹ do răng bị xỉn, ố vàng hay cao răng bám nhiều trên bề mặt của răng gây nên hôi miệng. Hút TL còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng.

Để phòng, chống các bệnh lý về răng miệng do TL, các bác sĩ khuyến cáo hãy từ bỏ TL để có một sức khỏe tốt và hàm răng chắc khỏe. Không đứng gần người đang hút TL. Không hút TL trong phòng khi có trẻ em và phụ nữ mang thai... Nếu đang hút TL nên hạn chế và từ từ bỏ thói quen hút TL.

Bảo vệ răng miệng bằng cách đánh răng 2 lần/ngày, dùng nước súc miệng chuyên dùng để loại bỏ vi khuẩn. Nên dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảng bám thức ăn ở các vị trí khó làm sạch bởi bàn chải, không nên dùng tăm để xỉa răng. Lấy cao răng và khám răng định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý về răng miệng.

Bài, ảnh: MAI ANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh