Nghiện thuốc lá... dễ đột quỵ

07:11, 01/11/2023

BS.CK2 Huỳnh Kim Phương- Trưởng Khoa Nội tim mạch lão khoa, BVĐK tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Ngày nào khoa cũng tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân đột quỵ. Phần lớn những trường hợp đột quỵ trẻ là do lối sống sinh hoạt không lành mạnh, chẳng hạn như thường xuyên căng thẳng, stress, uống rượu bia, đặc biệt là hút thuốc lá (TL)". 

Nguy cơ bệnh đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào và làm ngành nghề gì.
Nguy cơ bệnh đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào và làm ngành nghề gì.

BS.CK2 Huỳnh Kim Phương- Trưởng Khoa Nội tim mạch lão khoa, BVĐK tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Ngày nào khoa cũng tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân đột quỵ. Phần lớn những trường hợp đột quỵ trẻ là do lối sống sinh hoạt không lành mạnh, chẳng hạn như thường xuyên căng thẳng, stress, uống rượu bia, đặc biệt là hút thuốc lá (TL)”. 

 

Dù biết hút TL rất dễ dẫn đến đột quỵ nhưng nhiều người vẫn thờ ơ với yếu tố nguy cơ hàng đầu này. Nếu bỏ TL, nguy cơ tái phát đột quỵ sẽ giảm ở những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ. Ví dụ như trường hợp anh T.Q.L. (41 tuổi, xã Trung An, huyện Vũng Liêm).
 
Từ 2 năm trước, anh L. đã bị đột quỵ và phải đến bệnh viện cấp cứu. Được bác sĩ tư vấn, anh mới biết nguyên nhân đột quỵ của mình là do hút TL từ hồi rất trẻ và kèm theo yếu tố nguy cơ khác, như tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất từ thuốc BVTV. Sau thời gian điều trị, anh đã phục hồi hoàn toàn và cũng đã bỏ TL.
 
Tuy nhiên, nếu không bỏ TL, nguy cơ bị đột quỵ ở những bệnh nhân có bệnh nền về tim mạch, đặc biệt là cao huyết áp sẽ càng cao và nặng nề hơn. Phát hiện bị cao huyết áp nhưng do chủ quan nghĩ mình còn trẻ nên anh N.V.N. (TT Long Hồ) không uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, đến khi đột ngột ngã gục khi đang làm việc được đưa đến bệnh viện mới biết bị đột quỵ do nhồi máu não. Nhờ đưa đến bệnh viện trong giờ vàng nên bác sĩ đã kịp thời cứu chữa, nhưng di chứng yếu liệt tay chân, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị để phục hồi.
 
“Em tôi có cao huyết áp, nó cũng chủ quan không uống thuốc, rồi nó nghiện TL cũng nhiều năm. Đầu năm nó bị đột quỵ nằm trên Bệnh viện Chợ Rẫy được một thời gian thì về Bệnh viện Y dược cổ truyền tập vật lý trị liệu và có tiến triển nhiều, tay chân còn yếu nhưng đỡ hơn lúc trước”- anh N.V.C.- người thân của anh N. cho biết.
 
Theo các bác sĩ, đột quỵ có rất nhiều nguyên nhân. 3 nguyên nhân phổ biến nhất là tăng huyết áp làm thoái hóa tắc mạch hoặc làm nứt vỡ mạch máu não; bệnh lý xơ vữa gây hẹp và tắc động mạch não; rung nhĩ tạo cục máu đông trôi làm tắc mạch não. Ngoài 3 nguyên nhân chính trên, người bị đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim, mạch vành, xơ vữa động mạch chân, béo phì, hút TL, ít vận động, uống nhiều rượu bia, ít vận động, có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.
 
BS.CK2 Huỳnh Kim Phương cho biết: “Đối với những người hút TL, chỗ nào có mạch máu thì chỗ đó sẽ bị viêm, ví dụ như mạch vành, mạch máu chi, mạch máu toàn cơ thể nói chung. Do đó, nếu hút TL càng nhiều, chỗ nào có mạch máu thì chỗ đó đều có thể bị xơ cứng”.
 
Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế với 70% mất khả năng lao động. Nguy cơ bệnh đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào và làm ngành nghề gì.
 
BS.CK2 Huỳnh Kim Phương khuyến cáo người dân cách phòng ngừa bệnh: “Mỗi người dân cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm (ví dụ mắc bệnh huyết áp thì điều trị bệnh huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì...); có chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt khoa học; không uống rượu, không hút TL; đặc biệt phải vận động hàng ngày”…
 
Theo Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000-225.000 ca đột quỵ. Bệnh nhân ngày càng trẻ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm và đang có khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi từ 18-50. Trong đó, những người lạm dụng rượu bia, TL, chất kích kích, béo phì chiếm nguy cơ cao.
Bác sĩ khuyến cáo khi có một trong các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Lưu ý khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... cần đến bệnh viện có chuyên khoa để được chẩn đoán can thiệp kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong, tăng khả năng phục hồi.
Bài, ảnh: MAI ANH
 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh