Phòng chống viêm phổi, bảo vệ người già và trẻ em

07:11, 12/11/2023

Thời gian qua, tại các cơ sở y tế trên địa bàn Vĩnh Long tỷ lệ người lớn tuổi, trẻ nhỏ bị viêm phổi (VP) điều trị khá nhiều. Đây là một trong những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính đi kèm, nếu phát hiện muộn... Song, người dân vẫn còn chưa biết nhiều về sự nguy hiểm đáng sợ của VP!

 

 

Bệnh nhân viêm phổi được khám tại BVĐK Tư nhân Triều An- Loan Trâm.
Bệnh nhân viêm phổi được khám tại BVĐK Tư nhân Triều An- Loan Trâm.
 

Thời gian qua, tại các cơ sở y tế trên địa bàn Vĩnh Long tỷ lệ người lớn tuổi, trẻ nhỏ bị viêm phổi (VP) điều trị khá nhiều. Đây là một trong những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính đi kèm, nếu phát hiện muộn... Song, người dân vẫn còn chưa biết nhiều về sự nguy hiểm đáng sợ của VP!

Phòng viêm phổi ở người cao tuổi

VP là căn bệnh xảy ra quanh năm. Đặc biệt vào lúc giao mùa, thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường, người cao tuổi sức khỏe yếu, hệ thống miễn dịch suy giảm, mắc bệnh mạn tính tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập và phát triển, gây nên các bệnh nhiễm trùng, trong đó có VP. Nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, bệnh có thể có biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Chăm cha đang điều trị VP tại BVĐK Tư nhân Triều An- Loan Trâm, chị Huỳnh Thị Nga (xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít) cho biết: “Thấy cha mệt, thở khò khè nên ra tiệm thuốc mua thuốc cảm cho cha. Rồi cha mệt quá nên đưa vô đây khám, bác sĩ nói cha bị VP phải nằm viện trị bệnh”.

Theo BS.CK1 Nguyễn Hoàng Phong- Khoa Nội tổng quát BVĐK Tư nhân Triều An- Loan Trâm, VP ở người già có biểu hiện không giống với người trẻ tuổi. Bệnh thường diễn biến âm thầm, ở giai đoạn đầu thường chỉ sốt nhẹ, ho nhẹ, khó chịu, thậm chí không ho… Điều này khiến nhiều người chủ quan, thường tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, đến khi tình trạng chuyển biến xấu và nặng mới đưa đến cơ sở y tế để điều trị.

“Do đó VP ở người già dễ bị biến chứng nguy hiểm, như: biến chứng tại phổi, biến chứng trong lồng ngực. Trong biến chứng của bệnh VP, suy hô hấp là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất, khi đó phổi bị tổn thương nặng, giảm chức năng hô hấp dẫn đến không cung cấp đủ lượng oxy cho não khiến người bệnh bị tử vong rất nhanh”- BS Hoàng Phong khuyến cáo.

Để phòng ngừa các bệnh hô hấp đặc biệt là VP, BS.CK1 Võ Văn Hạnh Phúc- Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BVĐK tỉnh Vĩnh Long, khuyến cáo người cao tuổi cần củng cố hệ miễn dịch bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục, vệ sinh cá nhân và giữ ấm cơ thể.

“Bên cạnh đó, người cao tuổi cần được tiêm vaccine phế cầu; tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm để bảo vệ phổi, phòng ngừa nguy cơ viêm phổi trở nặng, giảm tỷ lệ mắc và nguy cơ biến chứng, giảm thời gian nằm viện và chi phí y tế. Khi có triệu chứng thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán, từ đó có thể phát hiện sớm những biến chứng bệnh, điều trị kịp thời”- BS Hạnh Phúc cho biết.

Các dấu hiệu trẻ bị viêm phổi, cần nhập viện

Ghi nhận tại Khoa Nhi của BVĐK tỉnh Vĩnh Long, từ đầu tháng 9 đến nay, số lượng trẻ điều trị nội trú liên quan đến thời tiết mưa nắng thất thường gia tăng. Hiện, khoa đang điều trị gần 200 trẻ. Trong đó, đa phần các trẻ mắc các bệnh về hô hấp (chiếm 80%), còn lại là bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy cấp, sốt virus, tay chân miệng và một số bệnh khác.

Chăm con gái hơn 2 tuổi đang điều trị bệnh VP, chị Lưu Thị Ngọc Bích (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) lo lắng: “Con ho 2 bữa, tôi có mua thuốc tây cho uống nhưng không bớt. Qua hôm sau con sốt cao quá, vợ chồng tôi chở đi bệnh viện thì bác sĩ cho nhập viện vì con bị VP”.

Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK tỉnh Vĩnh Long, thời tiết mưa, lạnh khiến trẻ dễ mắc các căn bệnh về hô hấp từ nhẹ đến nặng, bao gồm VP.

Ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như ho, sổ mũi, khò khè, quấy khóc, bỏ bú, thở nặng nề, thở nhanh, hổn hển... phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám và được điều trị kịp thời. Phụ huynh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc tự điều trị hoặc điều trị dựa vào đơn thuốc cũ.

Theo các bác sĩ, nếu trẻ được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời thì rất nhanh khỏi bệnh. Vậy nên, các phụ huynh cần đặc biệt quan tâm tới trẻ đặc biệt là các trẻ nhỏ vì trẻ càng nhỏ thì càng nguy hiểm và bệnh rất dễ tiến triển nặng.

Đồng thời, nên ngăn chặn các yếu tố nguy cơ như việc trẻ ngồi gần người hút thuốc hay ăn thiếu chất làm giảm sức đề kháng. Sau khi trẻ khỏi bệnh, phụ huynh không được chủ quan vì trẻ có thể tái nhiễm bệnh nhiều lần sau đó.

“Để phòng chống bệnh hô hấp, phụ huynh nên cho trẻ mặc đủ ấm khi trời trở lạnh, chú ý khi dùng các phương tiện giải nhiệt như quạt máy, máy lạnh, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên cho trẻ.

Tránh trẻ tiếp xúc gần với những người đang bị cảm, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, trẻ nhỏ nên bú sữa mẹ hoàn toàn vì sữa mẹ còn giúp giảm 15-23% nguy cơ VP. Ngoài ra, cho trẻ đi chích ngừa phế cầu và chích ngừa cúm hàng năm...”- BS Trần Chí Công khuyến cáo.

Việc phát hiện sớm khi nhiễm trùng hô hấp cấp tính diễn tiến nặng thành VP rất quan trọng. Theo TS.BS Trần Anh Tuấn- Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, dấu hiệu dễ nhận biết và rõ ràng nhất là thở nhanh. Chỉ cần một chiếc đồng hồ bình thường, phụ huynh có thể đếm nhịp thở của trẻ trong 1 phút. Tốt nhất là nên đếm khi trẻ nằm yên, không bú, như đang ngủ. Thở nhanh được xác định theo độ tuổi: từ 60 lần/phút trở lên ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, từ 50 lần/phút trở lên ở trẻ 2-11 tháng tuổi, 40 lần/phút trở lên ở trẻ 12 tháng đến dưới 5 tuổi.

Khi bé bắt đầu thở nhanh là lúc bé bắt đầu có triệu chứng sớm nhất của VP, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị thích hợp.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh