Đó là thông điệp của ngày Phòng chống bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thế giới 14/11 năm nay. Bệnh ĐTĐ là một trong những vấn đề y tế toàn cầu cấp bách và lớn nhất của thế kỷ XXI và đang có xu hướng tăng ở phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Đây là căn bệnh diễn biến âm thầm nên nhiều người mắc mà không biết.
Những người có yếu tố nguy cơ cần khám và xét nghiệm đường huyết ít nhất một lần/năm. |
Đó là thông điệp của ngày Phòng chống bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thế giới 14/11 năm nay. Bệnh ĐTĐ là một trong những vấn đề y tế toàn cầu cấp bách và lớn nhất của thế kỷ XXI và đang có xu hướng tăng ở phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Đây là căn bệnh diễn biến âm thầm nên nhiều người mắc mà không biết.
Trẻ sơ sinh cũng có thể mắc đái tháo đường
Theo BS.CK2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK Vĩnh Long, ĐTĐ là bệnh rối loạn chuyển hóa với 3 loại bệnh, bao gồm ĐTĐ tuýp 1, ĐTĐ tuýp 2 và ĐTĐ thai kỳ. Bệnh có đặc điểm là tăng glucose huyết (đường máu), rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protid, lipid (tinh bột, đạm, chất béo). Đặc biệt, ĐTĐ gây ra rất nhiều biến chứng cho sức khỏe như tim mạch, mắt, thần kinh, là nguyên nhân chính gây suy thận và rất nhiều biến chứng khác.
“Điều đáng lo ngại là ĐTĐ đang có xu hướng trẻ hóa, thậm chí có những người trẻ đã mắc ĐTĐ tuýp 2. Vì vậy, kiểm soát bệnh ĐTĐ tại cộng đồng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ và biến chứng nguy hiểm khác”- BS Thanh Đức khuyến cáo.
Cô N.K.O. (50 tuổi, TP Vĩnh Long) vốn khỏe mạnh, ăn uống điều độ, bỗng sụt 7kg trong gần 2 tháng, mệt mỏi, tiểu nhiều. “Hơn 1 tháng nay, tôi ăn uống bình thường nhưng thấy giảm cân nhanh, thỉnh thoảng thấy tê tay và tiểu nhiều. Cứ nghĩ do cổ luôn khát nước, uống nhiều nước nên tiểu nhiều. Nhưng tuần rồi tôi có sốt mệt nên đi bệnh viện khám, kiểm tra sức khỏe phát hiện bệnh ĐTĐ”- cô O. cho biết.
Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống ĐTĐ (14/11), Bộ Y tế vừa phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Hội Nhi khoa Việt Nam tổ chức hoạt động “Thắp sáng xanh lam” nâng cao nhận thức về ĐTĐ. Phát biểu tại sự kiện, TS Vương Ánh Dương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ĐTĐ là mối đe dọa sức khỏe công cộng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.
Hiện, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc ĐTĐ, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân ĐTĐ bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, trẻ em Việt Nam mắc ĐTĐ gia tăng, có bé sơ sinh đã bị bệnh. PGS.TS Trần Minh Điển- Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, theo dự báo của Liên đoàn ĐTĐ quốc tế, cho thấy số trẻ từ 0-19 tuổi mắc ĐTĐ tuýp 1 là 1.211.900 ca, trong đó mỗi năm có thêm 149.500 ca mắc mới. Hiện Bệnh viện Nhi Trung ương đang theo dõi, điều trị ngoại trú cho khoảng 1.000 trẻ bị ĐTĐ.
Chủ động chặn “sát thủ” âm thầm
Trong tháng 10 vừa qua, Trạm Y tế xã Thanh Đức (Long Hồ) khám tầm soát bệnh ĐTĐ cho người cao tuổi trong xã. Bà Dương Thị Mười (70 tuổi) cho biết: “Nhờ thử máu ngón tay tui mới biết ngoài huyết áp tui bị thêm ĐTĐ nữa. Tui đi bệnh viện xét nghiệm, kiểm tra biết bệnh ĐTĐ và cần thăm khám định kỳ.
Giờ hàng tháng tôi chỉ việc đến trạm kiểm tra huyết áp, sau đó các bác sĩ cho đơn thuốc cho tui uống. Việc khám, theo dõi bệnh tình tại trạm, bác sĩ khuyên ăn uống, vận động thể dục hợp lý tui cảm thấy an tâm lắm”.
Nguyên nhân gây ĐTĐ rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Theo Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK Vĩnh Long, điều trị ĐTĐ quan trọng nhất là kiểm soát tốt chỉ số đường huyết ở mức an toàn.
Việc chẩn đoán và điều trị sớm là chìa khóa để giúp phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm. Song, không ít bệnh nhân ĐTĐ phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng vì tự ý ngưng thuốc, dùng chung đơn người khác, uống thuốc theo lời đồn, không tái khám bệnh,...
ĐTĐ tuýp 1 xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở người trẻ, thanh thiếu niên. Dấu hiệu điển hình là đói và mệt, đi tiểu thường xuyên và khát hơn, khô miệng, ngứa da, sút cân nhiều, thị lực giảm. Khác với triệu chứng rầm rộ, diễn biến nhanh của tuýp 1, bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 diễn biến rất âm thầm, thậm chí không có triệu chứng. Bệnh nhân thường là người trưởng thành, dấu hiệu như nhiễm trùng, vết loét hoặc vết thương chậm lành.
“Việc điều trị ĐTĐ là điều trị từng bệnh nhân chứ không chỉ là điều trị bệnh, tức là chỉ định thuốc cho mỗi người là khác nhau. Việc tự ý dùng thuốc theo đơn của bệnh nhân khác cũng đã nguy hiểm, chưa nói đến dùng thuốc không rõ nguồn gốc, bán trôi nổi trên thị trường”- BS Thanh Đức khuyến cáo.
Theo các bác sĩ, bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể dự phòng được nếu như mọi người chú ý kiểm soát đường huyết. Việc phòng ngừa và điều trị bệnh ĐTĐ liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống và tập luyện.
Mọi người quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn, uống hàng ngày, thường xuyên hoạt động thể lực, giảm thiểu các hành vi có hại cho sức khỏe (không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu). Kiểm tra sức khỏe định kỳ để có các điều chỉnh sinh hoạt và ăn uống hợp lý. Những người có yếu tố nguy cơ cần khám và xét nghiệm đường huyết ít nhất một lần/năm.
Bộ Y tế đã kêu gọi người dân: Hãy có trách nhiệm với sức khỏe của mình, quan tâm đến và duy trì cuộc sống khỏe mạnh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh ĐTĐ và các bệnh tật khác. Hãy biết nguy cơ, chủ động đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chẩn đoán sớm bệnh ĐTĐ. Đối với các nhân viên y tế cần nâng cao nhận thức và kiến thức về ĐTĐ cho mọi người; đối với các nhà hoạch định chính sách xác định phòng, kiểm soát ĐTĐ là một nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế; thực hiện các chiến lược và chính sách hiệu quả để phòng ngừa và quản lý bệnh, để bảo vệ sức khỏe của người dân, không mắc bệnh ĐTĐ hoặc chung sống có chất lượng với bệnh ĐTĐ. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG