Hút thuốc lá làm trầm trọng thêm bệnh đái tháo đường

08:11, 17/11/2023

Theo các bác sĩ, hút thuốc lá (TL) làm tăng nguy cơ và khiến các bệnh mạn tính như tim mạch, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cao huyết áp, trong đó có bệnh đái tháo đường (ĐTĐ)... trở nên trầm trọng hơn.

 

 

Hút thuốc lá chính là một trong số những “thủ phạm” làm tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 bởi vì khi hút thuốc lá, chất nicotine sẽ kích thích lên hệ thần kinh trung ương và toàn cơ thể.
Hút thuốc lá chính là một trong số những “thủ phạm” làm tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 bởi vì khi hút thuốc lá, chất nicotine sẽ kích thích lên hệ thần kinh trung ương và toàn cơ thể.

Theo các bác sĩ, hút thuốc lá (TL) làm tăng nguy cơ và khiến các bệnh mạn tính như tim mạch, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cao huyết áp, trong đó có bệnh đái tháo đường (ĐTĐ)... trở nên trầm trọng hơn.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ đang gia tăng nhanh. Theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong số người trưởng thành tuổi 30-69, tỷ lệ ĐTĐ từ 5,4% năm 2012 tăng lên 7,3% vào năm 2020.

Bệnh không chỉ xuất hiện ở đô thị mà còn khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.

Các bác sĩ chuyên khoa nội tiết cho rằng, khói TL liên quan đến rất nhiều nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, mạn tính nguy hiểm, trong đó có ĐTĐ.

Theo đó, lượng nicotine lớn trong khói TL có khả năng khiến chất insulin hoạt động kém đi, giảm khả năng hỗ trợ các tế bào trong cơ thể hấp thụ glucose (đường), khiến đường ở lại trong máu, gây tổn thương tế bào và suy giảm chức năng hoạt động. Cơ thể bị ảnh hưởng bởi insulin hoạt động không hiệu quả, làm rối loạn chuyển hóa đường, tăng nguy cơ ĐTĐ.

Được biết, việc hút TL cũng khiến 1 người có khả năng mắc bệnh ĐTĐ cao hơn 30%, càng hút nhiều điếu TL mỗi ngày thì càng tăng khả năng mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2, nguy cơ mù lòa, bệnh tim, đột quỵ, kháng insulin, loét da. Thực tế cho thấy, TL và bệnh ĐTĐ có mối quan hệ “hỗ trợ”, tỷ lệ thuận với nhau. Nguy cơ mắc ĐTĐ tăng cùng với liều hút TL.

Việc hít khói TL cũng khiến tuần hoàn máu kém đi, nicotine đi vào máu khiến các mạch máu bị co thắt, kết hợp cùng lượng đường tích tụ gây nghẽn mạch. Chất độc trong khói TL cũng khiến các tế bào bị oxy hóa, hạn chế khả năng tiếp nhận đường. Cho dù người bệnh sử dụng insulin dạng tiêm để kiểm soát đường cũng bớt hiệu quả, tăng nguy cơ đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu.

Rất nhiều người đã buộc phải cắt cụt chi, cắt bỏ một phần cơ thể bằng phẫu thuật như ngón chân, bàn chân do bị nhiễm trùng, loét bởi ĐTĐ. Những căn bệnh như thần kinh ngoại biên, bệnh võng mạc cũng có thể khởi phát do ĐTĐ và TL.

Cũng chính vì vậy, ngành y tế khuyến cáo để hạn chế ảnh hưởng của TL với bệnh ĐTĐ, những bệnh nhân ĐTĐ không nên hút TL và hạn chế ở gần nơi có khói TL. Không hút TL là một biện pháp phòng bệnh ĐTĐ rất tốt.

ĐTĐ nếu không được điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gia tăng tỷ lệ tử vong. Song, bệnh ĐTĐ vẫn có thể dự phòng và ngăn chặn thông qua hoạt động thể chất thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, khoa học.

Theo BS.CK2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Vĩnh Long, thay đổi lối sống, dinh dưỡng là biện pháp cơ bản trong điều trị ĐTĐ. “Để phòng ngừa bệnh ĐTĐ, người dân cần không hút TL; cần tuân thủ điều trị bệnh; hạn chế rượu bia. Cần kiểm soát đường huyết tốt theo các khuyến cáo, muốn vậy, người bệnh cần kiểm soát chế độ ăn, chế độ luyện tập, sử dụng thuốc hợp lý ”- BS Thanh Đức khuyến cáo.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh