Hơi thở là cuộc sống- hành động sớm hơn

11:11, 24/11/2023

Đó là chủ đề ngày Thế giới phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) 2023. Qua đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của chăm sóc, chẩn đoán và can thiệp sớm các bệnh lý ở phổi. Giữ cho lá phổi khỏe mạnh là một phần không thể thiếu cho sức khỏe trong tương lai và điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải hành động sớm hơn.

 

Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính đến khám và điều trị tại Bệnh viện Phổi Vĩnh Long.
Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính đến khám và điều trị tại Bệnh viện Phổi Vĩnh Long.
Đó là chủ đề ngày Thế giới phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) 2023. Qua đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của chăm sóc, chẩn đoán và can thiệp sớm các bệnh lý ở phổi. Giữ cho lá phổi khỏe mạnh là một phần không thể thiếu cho sức khỏe trong tương lai và điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải hành động sớm hơn.

Hút thuốc lá là mối nguy hiểm gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

COPD là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, dẫn đến gánh nặng kinh tế xã hội ngày càng tăng. Đáng chú ý, gần 90% người mắc bệnh này có tiền sử hút thuốc lá (TL). Tuy vậy, bệnh hoàn toàn có thể phòng và điều trị được nếu được phát hiện sớm và quản lý đúng cách.

Tại Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, những ngày gần đây, số bệnh nhân mắc COPD gia tăng đáng kể. Các bệnh nhân nhập viện đa phần là bệnh nhân trên 40 tuổi, có tiền sử hút TL, hoặc nghề nghiệp có tiếp xúc với khói, bụi ô nhiễm… người bệnh thường đến khám vì ho, khạc đờm, khó thở…

Nằm điều trị bệnh COPD, ông N.V.N. (73 tuổi, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) cho biết: “Trời trở se lạnh là tui ho, khó thở, ăn uống hổng thấy ngon. Bác sĩ khuyên tui phải bỏ TL bệnh tui mới đỡ”.

Còn ông L.Q.A. (56 tuổi, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm) nhập viện trong tình trạng khó thở, mệt mỏi, thóp ngực, cơ thể hom hem. Ông cho biết ông hút TL từ khi thanh niên, mấy năm gần đây thấy ho nhiều, nuốt khó nên đi khám bệnh và được các bác sĩ kết luận bị u vòm họng kết hợp với bệnh COPD. Từ đó đến nay mỗi khi thay đổi thời tiết, ông A. lại phải nhập viện.

Theo BS.CK1 Phạm Văn Hoàng- Trưởng Khoa Bệnh phổi- Dinh dưỡng, Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, COPD là bệnh xảy ra ở đường hô hấp với các triệu chứng: mệt mỏi, khó thở, ho mạn tính ở người hút TL, khạc đờm, khò khè… và có thể dẫn đến suy hô hấp.

Bệnh thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các phân tử hoặc khí độc hại mà trong đó khói TL đứng vai trò hàng đầu. Nếu không được khám phát hiện và điều trị bệnh kịp thời thì có thể gây ra biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Khi mắc COPD ở giai đoạn bệnh nặng, bác sĩ chỉ điều trị cho bớt tắc nghẽn chứ không thể hết hẳn. Thuốc chỉ giúp diễn tiến của bệnh chậm lại. Theo thời gian, bệnh sẽ nặng dần và bệnh nhân tử vong.

“Các bệnh nhân COPD thường ở độ tuổi trên 40 và đến 90% trong số họ có tiền sử hút TL nhiều năm. Thậm chí, ngay cả khi đã được nhắc nhở bỏ TL nhưng nhiều người vẫn không bỏ được thói quen này. Có lẽ, do bệnh không “chết ngay” nên họ vẫn chưa sợ”- BS Văn Hoàng cho biết.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ bùng phát khi thay đổi thời tiết

Hiện nay, có nhiều yếu tố khác ngoài việc hút TL có thể góp phần gây nên bệnh COPD như môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với bụi, hóa chất, bệnh di truyền… Đây là bệnh có thể phát sinh sớm và ảnh hưởng đến cả những người trẻ tuổi.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, khi thời tiết thay đổi nóng lạnh đan xen, đặc biệt là trong mùa lạnh, người bệnh COPD rất dễ nhiễm các loại virus và vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên và dưới, làm tăng tình trạng co thắt phế quản, tăng dịch nhầy trong đường hô hấp. Do đó, người bệnh bị khó thở nặng hơn.

Đáng lưu ý, vào thời điểm giao mùa, nếu không dự phòng cẩn thận, bệnh COPD có thể tái phát và tiến triển rất nhanh. Triệu chứng cơ năng nổi bật nhất của COPD là ho có đàm mạn tính và khó thở.

Lúc đầu thường ho cách quãng, sau ho cả ngày vào đa số các ngày trong tuần, nếu điển hình có thể ho kéo dài đến 3 tháng trong một năm và liên tục từ 2 năm trở lên. Song, một số trường hợp có thể không ho, hoặc rất ít ho mà triệu chứng chủ yếu là khó thở từ từ tăng dần, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, về sau khó thở xuất hiện cả khi nghỉ.

Để phòng ngừa bệnh COPD, BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên- Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính- chỉ đạo tuyến và điều dưỡng Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, khuyến cáo, cách tốt nhất là không hút TL, nếu đã hút thì hãy bỏ càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, người dân cũng nên tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí; tạo môi trường sống và làm việc trong lành; giữ gìn sức khỏe, giữ ấm vào mùa lạnh; tiêm vaccine phòng cúm, phòng phế cầu để ngăn ngừa đợt cấp; cải thiện tình trạng dinh dưỡng: ăn nhiều bữa nhỏ, đủ chất dinh dưỡng…

“Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Nếu có các biểu hiện: ho liên tục, đau ngực, thường xuyên khạc đàm vào buổi sáng, tình trạng ho, khó thở nặng dần theo thời gian, sốt trên 38 độ..., người dân nên đến bệnh viện sớm để được các bác sĩ thăm khám, phát hiện sớm COPD và điều trị kịp thời”- BS Mỹ Tiên khuyến cáo.

Các triệu chứng của COPD thường xuất hiện từ từ và dần nặng hơn theo thời gian. Nếu xuất hiện các triệu chứng dưới đây, người dân cần tới gặp bác sĩ ngay để thăm khám: ho dai dẳng, thường kèm theo đờm; khó thở, đặc biệt là khi gắng sức; thở khò khè; đau ngực; mệt mỏi.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh