ĐBSCL: Bệnh viện thiếu máu trầm trọng

03:11, 03/11/2023

Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tại khu vực ĐBSCL trong đó có Vĩnh Long đang rơi vào cảnh nguồn máu dự trữ dần cạn kiệt. Điều này khiến việc cấp cứu và điều trị cho người bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

 

Tình trạng thiếu máu khiến BVĐK tỉnh Vĩnh Long gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị.
Tình trạng thiếu máu khiến BVĐK tỉnh Vĩnh Long gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị.

Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tại khu vực ĐBSCL trong đó có Vĩnh Long đang rơi vào cảnh nguồn máu dự trữ dần cạn kiệt. Điều này khiến việc cấp cứu và điều trị cho người bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Thiếu máu trầm trọng, kéo dài

BS.CK2 Nguyễn Xuân Việt- Giám đốc Bệnh viện Huyết học- Truyền máu Cần Thơ, cho biết đơn vị đang thiếu máu để cung cấp cho 74 bệnh viện tại 11 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, ngoại trừ 2 tỉnh Long An và Kiên Giang.

Việc thiếu máu và các chế phẩm máu trong khu dự trữ máu của bệnh viện đã `xảy ra từ đầu năm 2023, tình hình ngày thêm căng thẳng trong mấy tháng qua là do khó khăn và chậm tiến độ trong đấu thầu mua sắm. Bệnh viện không còn túi lấy máu cũng như hóa chất, vật tư để xét nghiệm, gạn tách chế phẩm máu.

Tình trạng này kéo dài nhiều tháng qua đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động điều trị cho bệnh nhân của các bệnh viện trong khu vực này. Thậm chí số lượng máu có được mỗi ngày chỉ khoảng vài túi. Chính vì thế, hiện nay, máu chỉ được dùng cho các trường hợp “tối cấp cứu” còn những trường hợp như suy thận mãn tính, ung thư, hở van tim,… vẫn phải xếp hàng chờ điều trị.

BVĐK Trung ương Cần Thơ là bệnh viện tuyến cuối trực thuộc Bộ Y tế, mỗi ngày tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân ở ĐBSCL đến điều trị, trong đó có nhiều bệnh cần truyền máu. Tuy nhiên, nguồn máu được cung cấp chỉ chiếm khoảng 20-30% thì việc thiếu nguồn máu đã ảnh hưởng đến công tác điều trị bệnh.

BS.CK2 Nguyễn Minh Nghiêm- Phó Giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết: “Đối với người bệnh đôi khi chỉ thiếu máu thì cũng phải chuyển lên các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, với những trường hợp cấp cứu khẩn cấp thì ban giám đốc bệnh viện liên hệ với lãnh đạo Bệnh viện Huyết học- Truyền máu Cần Thơ để cung cấp những đơn vị máu cần thiết khẩn cấp điều tiết từ các bệnh nhân khác mà mình có thể trì hoãn được, sau đó truyền bù lại”.

Từ tháng 3 đến nay, trung bình mỗi ngày ngân hàng máu của BVĐK tỉnh Vĩnh Long chỉ có khoảng 20 đơn vị máu để phục vụ cấp cứu các trường hợp cần máu chứ không đảm bảo máu điều trị các bệnh mãn tính về máu.

Đặc biệt, hiện nay nhóm máu A thiếu trầm trọng với khoảng 1-2 đơn vị được dự trữ. Trong khi số lượng máu cần đáp ứng nhu cầu điều trị tại bệnh viện đối với bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính về máu là khoảng 30 đơn vị mỗi ngày. Cũng đã có không ít trường hợp bệnh viện phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên chỉ vì không đáp ứng máu điều trị.

BS Phạm Thị Thanh Thư- Khoa Nội tổng hợp BVĐK tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Mấy tháng gần đây, tình hình thiếu máu và thiếu hóa chất xét nghiệm vẫn còn tiếp tục diễn ra, nhu cầu về truyền máu của bệnh nhân rất nhiều, một phần bệnh mãn tính, một phần cấp cứu. Theo đó, bệnh viện ưu tiên cho những trường hợp cấp cứu truyền máu khẩn cấp, còn những bệnh suy thận mãn tính, thiếu máu mãn tính, những bệnh về máu thì để điều trị sau”.

Nguồn máu đóng vai trò quan trọng trong cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, liên quan trực tiếp đến sinh mạng của người dân. Theo BS.CK2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long, với tình trạng khan hiếm nguồn máu thời gian qua thì Bệnh viện Huyết học- Truyền máu Cần Thơ chỉ cung cấp 20% số lượng cần và không phải cần là được cung cấp liền mà chỉ cấp cho trường hợp cấp cứu nguy hiểm.

Đặc biệt là nhóm máu A là rất hiếm, khi mua cũng chỉ có được từ 1-2 đơn vị, dẫn đến khó khăn cho việc cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân cũng như hiệu quả điều trị.

Muốn hiến máu cũng không được

Nhu cầu sử dụng máu khối hồng cầu của các bệnh viện ở ĐBSCL từ 12.000-15.000 đơn vị/tháng, tiểu cầu là 1.200 đơn vị/tháng. Thế nhưng 8 tháng qua, Bệnh viện Huyết học- Truyền máu Cần Thơ chỉ đáp ứng khoảng 20-50% nhu cầu.

Lượng máu ít ỏi này phụ thuộc vào nguồn máu mua lại từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Truyền máu- Huyết học TP Hồ Chí Minh và Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương. Tuy nhiên, do phải hỗ trợ trong khoảng thời gian dài nên nguồn máu những đơn vị hỗ trợ hiện cũng không đủ số lượng và ngày một ít đi.

Trong khi đó, nhiều người dân muốn tham gia hiến máu nhân đạo để cứu người hiện vẫn không thể hiến máu được. Bà Nguyễn Thụy Yến Phương- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long, cho biết thời gian qua, công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện được BCĐ các cấp triển khai thực hiện.

“Do thiếu túi máu nên các đợt nhận máu hầu hết đều do Bệnh viện Huyết học- Truyền máu Cần Thơ hủy. Đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 3.254 đơn vị máu, đạt tỷ lệ 32,54% chỉ tiêu Trung ương giao và đạt 27,12% chỉ tiêu tỉnh đề ra năm 2023. Việc hủy các đợt nhận máu từ tháng 4/2023 đến nay sẽ gây khó khăn cho việc vận động trong thời gian sau này”- bà Yến Phương cho biết.

Tại cuộc họp báo quý III/2023 do UBND TP Cần Thơ tổ chức, đã có hướng giải quyết tình trạng thiếu máu ở Bệnh viện Huyết học- Truyền máu Cần Thơ. Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cho biết đã có chỉ đạo giải pháp xử lý ngay vấn đề thiếu máu và chế phẩm máu cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Huyết học- Truyền máu Cần Thơ và sẽ có giải pháp lâu dài cho vấn đề này.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ, dự kiến trong quý IV/2023, Bệnh viện Huyết học- Truyền máu Cần Thơ sẽ hoàn thành mua sắm các thiết bị để phục vụ cho công tác truyền máu cung cấp và điều trị các bệnh nhân. Việc thiếu máu của Bệnh viện Huyết học- Truyền máu Cần Thơ, Sở Y tế TP Cần Thơ đã phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Truyền máu- Huyết học TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ cho bệnh viện.

Bộ Y tế yêu cầu phải bảo đảm cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện vùng ĐBSCL

Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND TP Cần Thơ, Sở Y tế TP Cần Thơ và các đơn vị liên quan, yêu cầu phải bảo đảm cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện vùng ĐBSCL.

Bộ Y tế đã điều phối gần 65.000 đơn vị máu hỗ trợ cho Bệnh viện Huyết học- Truyền máu Cần Thơ để cung cấp cho 74 bệnh viện khu vực ĐBSCL từ tháng 6/2023, đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho cấp cứu và điều trị người bệnh trong khu vực.

Tuy nhiên, đến ngày 30/10, công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu của Bệnh viện Huyết học- Truyền máu Cần Thơ vẫn chưa có đủ để bệnh viện tiếp nhận và cung cấp máu đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế đánh giá đây là “tình hình cấp bách”, yêu cầu Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương và các trung tâm huyết học- truyền máu xem xét nguồn máu, cân đối hỗ trợ cho bệnh viện Huyết học- Truyền máu Cần Thơ trong 2-4 tuần tới nếu bệnh viện này vẫn chưa tự bảo đảm đầy đủ nguồn cung.

Trường hợp vẫn chưa mua sắm được, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tìm mọi cách huy động các nguồn lực của địa phương và xã hội để có vật tư, túi máu… phục vụ công tác cung ứng máu. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND TP Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành; hỗ trợ Sở Y tế, bệnh viện mua sắm hoặc trực tiếp tổ chức thực hiện nếu Sở Y tế không đáp ứng được công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu trong tháng 11.

MAI ANH

Bài, ảnh: QUYÊN THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh