Trong các loại ung thư (UT) ở nữ giới, UT vú và cổ tử cung đều có thể sàng lọc và phát hiện sớm. Việc tầm soát các bệnh UT thường gặp ở phụ nữ là cách giúp chẩn đoán UT ở giai đoạn đầu và việc điều trị có nhiều khả năng thành công hơn.
|
Kiểm tra sức khỏe định kỳ và thường xuyên tầm soát ung thư sớm, phát hiện kịp thời các nguy cơ cảnh báo bệnh để tối ưu hóa kết quả điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống. |
Trong các loại ung thư (UT) ở nữ giới, UT vú và cổ tử cung đều có thể sàng lọc và phát hiện sớm. Việc tầm soát các bệnh UT thường gặp ở phụ nữ là cách giúp chẩn đoán UT ở giai đoạn đầu và việc điều trị có nhiều khả năng thành công hơn.
Gia tăng ung thư ở phụ nữ trẻ
Chị N.N.H. (34 tuổi, TP Vĩnh Long) bị chẩn đoán UT vú sau lần khám sức khỏe định kỳ do cơ quan tổ chức. Khi đó, chị đã trao đổi với bác sĩ triệu chứng đau nhói ở ngực nên được khám và chỉ định khám chuyên sâu. Nhận kết quả UT vú, chị H. suy sụp tinh thần rất nhiều vì hai con còn độ tuổi tiểu học.
“Tôi lo lắng rất nhiều vì sợ mình có gì hai con mồ côi mẹ. Bệnh được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu nên bác sĩ điều trị phẫu thuật cắt bỏ khối u mà vẫn bảo toàn vú, cũng như hóa xạ trị không còn tế bào UT. Sau các đợt điều trị, đến nay sức khỏe tôi ổn định, cả nhà rất mừng”- chị H. xúc động.
Rồi chị tiếp lời: “Bệnh được phát hiện sớm nên điều trị kịp thời. Bây giờ, tôi biết lo hơn cho sức khỏe, nghỉ ngơi điều độ, ăn uống khoa học hơn như nấu ở nhà, hạn chế dùng thức ăn ngoài hàng quán, các món chiên xào... Tôi còn đi khám sức khỏe định kỳ, 6 tháng một lần và dành nhiều thời gian bên gia đình hơn”.
“Khi biết mình bị UT cổ tử cung, tôi ngại nên chỉ khám phụ khoa khi sanh đẻ chứ không khám định kỳ. Các bác sĩ nói phải chi tôi khám tầm soát sớm thì việc trị bệnh rất dễ rồi, thôi giờ chỉ biết trăm sự nhờ bác sĩ, hy vọng còn nước còn tát thôi”- chị P.T.T.N. (42 tuổi, huyện Bình Tân) cho biết.
Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 21.000 ca UT vú và hơn 4.100 ca UT cổ tử cung. Tại Việt Nam, nữ giới trong độ tuổi 40-55 có tỷ lệ mắc UT vú khá cao và trẻ hơn so với thế giới. Đáng quan tâm là cả 2 loại UT này đang có xu hướng trẻ hóa, có trên 1/2 số ca phát hiện ở giai đoạn muộn, trong khi đây là 2 loại UT có hiệu quả điều trị khả quan nếu được phát hiện sớm.
Bệnh nhân bệnh UT vú nếu phát hiện sớm ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%; với UT cổ tử cung là 80-93% và giảm dần ở các giai đoạn sau. Thực tế, nhiều bệnh nhân phát hiện mắc UT và điều trị ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí tốn kém và kéo dài.
Phát hiện bệnh sớm, cơ hội khỏi bệnh càng cao
TS.BS Hồ Long Hiển- Trưởng Khoa Ngoại Nhũ học- Tiêu hóa, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện thường ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân, bệnh nhân không quan tâm đến việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh UT. Tâm lý sợ bệnh, khi có triệu chứng, mới đến bệnh viện.
Khi bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, điều trị phức tạp, rất tốn kém mà hiệu quả điều trị không cao, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Trong khi nếu phát hiện sớm, điều trị đỡ tốn kém, cơ may khỏi bệnh cao.
TS.BS Hồ Long Hiển khuyến cáo, những người có nguy cơ cao cần tầm soát UT vú gồm: Bị UT vú 1 bên thì nguy cơ bị UT vú bên kia tăng lên; có mẹ, dì, chị em ruột bị UT vú, đặc biệt lúc trẻ tuổi; béo phì; bắt đầu có kinh sớm, mãn kinh trễ; không có con, có con đầu sau 35 tuổi; uống rượu quá đà, hút thuốc lá; dùng liệu pháp nội tiết thay thế (để giảm các triệu chứng mãn kinh)…
Ðối với UT cổ tử cung hoàn toàn có thể phát hiện sớm và phòng ngừa hiệu quả nhờ vào các xét nghiệm sàng lọc, tiêm ngừa vaccine phòng virus HPV… Người có nguy cơ cao cần tầm soát bao gồm: những người nhiễm virus HPV, đặc biệt tuýp nguy cơ cao 16 và 18; nhiều bạn tình; quan hệ tình dục sớm; mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục; hệ miễn dịch yếu (nhiễm HIV, AIDS); hút thuốc lá…
Ðối với UT buồng trứng, người có nguy cơ cao cần tầm soát bao gồm: tiền sử gia đình có người mắc UT buồng trứng; đã mắc trước UT vú, ruột già, tử cung; tuổi càng lớn, nguy cơ tăng dần; không có thai lần nào.
“Khi có các dấu hiệu bất thường, phụ nữ cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám chuyên khoa. Theo Hiệp hội Phòng chống UT quốc tế (UICC), 40% số người mắc UT lẽ ra có thể phòng ngừa được.
Vì thế, mọi người nên có nếp sống lành mạnh, tránh xa khói thuốc lá, tránh uống rượu bia, phòng tránh bệnh nhiễm, tập thể dục đều đặn, ăn đúng, ăn lành (hạn chế thịt đỏ, chất béo; ăn nhiều rau xanh), giữ cân nặng vừa phải... cũng là các biện pháp tích cực phòng ngừa bệnh UT”- TS.BS Hồ Long Hiển khuyến cáo.
Chia sẻ dấu hiệu cảnh báo UT ở nữ giới, các chuyên gia lưu ý: Các chị em có thể không nhận thấy các triệu chứng UT, hoặc có thể bỏ qua, cho rằng chúng ít nghiêm trọng. Nhưng khi các triệu chứng dưới đây kéo dài hơn 2 tuần, chúng có thể là dấu hiệu của bệnh UT vú hoặc phụ khoa và chị em cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, tư vấn và chẩn đoán: đau hoặc đỏ vú, tụt núm vú, da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường; chảy dịch vú, thay đổi màu sắc trên da của vú, một bên vú dày chắc hơn bên kia; có hạch nách. Chu kỳ kinh nguyệt bất thường, thay đổi thói quen tiểu tiện; xuất huyết hoặc chảy dịch âm đạo bất thường; đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục, đau vùng xương chậu.
|
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG