3 bước phòng ngừa bệnh cúm mùa

08:11, 23/11/2023

Thưa bác sĩ, biểu hiện của bệnh cúm mùa và cảm lạnh có giống nhau không? Làm cách nào để phòng ngừa cúm mùa ở trẻ?

 

Thưa bác sĩ, biểu hiện của bệnh cúm mùa và cảm lạnh có giống nhau không? Làm cách nào để phòng ngừa cúm mùa ở trẻ?

Trương Ngọc Trúc Huỳnh

(Xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn)

Trả lời:

Bệnh cúm mùa dễ bị nhầm với cảm lạnh thông thường bởi các triệu chứng sốt, ho, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, mắt đổ ghèn, đau đầu… Tuy nhiên, các triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn và có kèm các cơn ớn lạnh, sốt cao, gây mệt. Khi có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị phù hợp. Đối với trẻ em, cúm không phải là một bệnh nhẹ và lành tính nên cho trẻ tiêm ngừa để phòng bệnh một cách chủ động, tránh các biến chứng với 3 bước phòng ngừa sau:

Tiêm ngừa vaccine cúm hàng năm: Vaccine được biết là phương pháp hiệu quả để phòng ngừa cúm nên việc tiêm nhắc vaccine sẽ giúp trẻ cập nhật các chủng virus cúm lưu hành, từ đó trẻ được bảo vệ một cách đầy đủ và tốt nhất.

Phòng ngừa trong sinh hoạt hàng ngày: Những thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp phòng ngừa bệnh cúm lây lan và cần áp dụng cho cả trẻ em, người lớn như tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Khi trẻ mắc bệnh cúm mà không có chỉ định nhập viện cần cách ly tại nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt. Che mũi, miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi và cho ngay khăn vào thùng rác. Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh có chứa cồn trên 60 độ. Tránh chạm bàn tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa và sát trùng các bề mặt vật dụng có khả năng lây nhiễm virus bằng cồn 70 độ.

Điều trị thuốc khi có chỉ định: Khi trẻ mắc cúm mùa nhập viện sẽ được chỉ định thuốc điều trị nhằm làm giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian nằm viện và phòng ngừa biến chứng.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh