Đó là thông điệp được đưa ra tại Hội thảo Khoa học Ung bướu Cần Thơ lần thứ XII, do Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ vừa tổ chức. Các chuyên gia nhấn mạnh, quan điểm "ung thư là chết" đã không còn đúng, ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, có thể ngăn chặn sự tiến triển ở giai đoạn sau và có thể được chăm sóc giảm nhẹ ở giai đoạn muộn…
Hội thảo là diễn đàn y học uy tín về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị ung thư. |
Đó là thông điệp được đưa ra tại Hội thảo Khoa học Ung bướu Cần Thơ lần thứ XII, do Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ vừa tổ chức. Các chuyên gia nhấn mạnh, quan điểm “ung thư là chết” đã không còn đúng, ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, có thể ngăn chặn sự tiến triển ở giai đoạn sau và có thể được chăm sóc giảm nhẹ ở giai đoạn muộn…
Khói thuốc lá chiếm 1/3 nguy cơ gây ung thư
Tại hội thảo, các chuyên gia chỉ ra rằng, quá trình hình thành và tiến triển bệnh ung thư trải qua nhiều giai đoạn.
Dưới sự tác động của các hóa chất, nếp sống không lành mạnh như chế độ dinh dưỡng, thiếu vận động và béo phì, các bệnh nhiễm, bức xạ,... các thể nhiễm sắc bị tấn công, các gien bị đột biến, từ đó hình thành ung thư. Các tế bào ung thư phát triển, tiếp tục xâm lấn và di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể người bệnh.
Cụ thể, khói thuốc lá chiếm 1/3 nguy cơ gây ung thư (trên 70 chất gây ung thư và 15 loại ung thư), dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt chiếm 1/3 (chế độ ăn ít rau trái tươi, ít chất xơ, quá béo, quá mặn…), béo phì- ít vận động và bệnh nhiễm chiếm 1/5.
Do đó, để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư, trước hết mọi người cần tránh xa các nguồn có thể gây bệnh. Cộng đồng cần quan tâm đúng mức đến việc tầm soát bệnh nói chung, tầm soát ung thư nói riêng 6 tháng/lần.
Ngoài việc kiểm tra, tầm soát các vấn đề về ruột già, gan, dạ dày là điều cả hai giới phải lưu ý, phụ nữ cần tầm soát ung thư cổ tử cung, tuyến vú, tuyến giáp. Nam giới cần tầm soát sớm ung thư phổi (người nghiện thuốc lá trên 40 tuổi), nên lưu ý tuyến tiền liệt (thử PSA);…
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng- Chủ tịch Danh dự Hội Ung thư Việt Nam, khoảng 40% các loại ung thư có thể phòng tránh được. Khi lỡ mắc ung thư, bệnh nhân hoàn toàn có thể được điều trị khỏi bệnh nếu tầm soát phát hiện trong giai đoạn sớm.
Tại Việt Nam, những loại ung thư thường gặp và gây tử vong cao theo thứ tự là phổi, gan, vú, dạ dày, đại- trực tràng, cổ tử cung. Y học hiện đại đã có “mắt thần” nhìn thấy ung thư thông qua nội soi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu, chẩn đoán phân tử, chẩn đoán bệnh học.
PGS.BS Bùi Diệu- Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, lưu ý người dân cần đi khám ngay để tầm soát sớm khi trên da xuất hiện những cục u, da sần dày lên bất thường, chảy máu hoặc tiết dịch bất thường, lở loét dai dẳng không lành, ho dai dẳng hoặc khàn tiếng...
Các chuyên gia nhấn mạnh, là người bệnh nếu chẳng may mắc ung thư phải đặt lòng tin vào đội ngũ y, bác sĩ điều trị những tiến bộ ngày càng vượt trội của máy móc, thiết bị tiên tiến trong điều trị ung thư. Quan điểm “ung thư là chết” đã không còn đúng, ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, có thể ngăn chặn sự tiến triển ở giai đoạn sau và có thể được chăm sóc giảm nhẹ ở giai đoạn muộn…
Nâng cao năng lực sàng lọc, tầm soát bệnh ung thư
TS.BS Võ Văn Kha- Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ là trung tâm phòng, chống ung thư, giải quyết gánh nặng ung thư cho TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.
Hàng năm, bệnh viện tiếp nhận hơn 70% các bệnh lý ung thư từ các tỉnh trong khu vực. Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật, dịch vụ mới như: Sinh thiết dưới hướng dẫn CT, các xét nghiệm hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử, kỹ thuật đốt sóng cao tần điều trị bướu giáp, u gan, điều trị u vú bằng kỹ thuật hút chân không; phẫu thuật bảo tồn, tái tạo tuyến vú, tạo hình vùng đầu cổ; xạ trị áp sát xuất liều cao, điều trị bằng y học hạt nhân, liệu pháp nhắm trúng đích và miễn dịch trong ung thư. Các bệnh ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, da, vùng đầu cổ, khoang miệng… đều có thể dự phòng, tầm soát, phát hiện sớm để điều trị kịp thời, kết quả tích cực.
Thời gian tới, với mục tiêu phòng chống ung thư, bệnh viện tiếp tục triển khai sàng lọc và tầm soát bệnh, tăng cường khả năng phát hiện sớm bệnh, không ngừng nâng cao năng lực điều trị, lấy bệnh nhân làm nòng cốt, nhằm giảm nhẹ nỗi đau của bệnh nhân ung thư.
Bên cạnh phát triển chuyên sâu về ung bướu, bệnh viện chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phối hợp với các trường ĐH đào tạo học viên sau ĐH, bác sĩ nội trú, chuyên khoa 1, 2 ung thư. Bệnh viện được Bộ Y tế cấp mã “đào tạo liên tục” cũng như chứng nhận “thử nghiệm thuốc trên lâm sàng”.
Hàng năm, bệnh viện đào tạo hàng trăm học viên và cấp chứng chỉ về kỹ thuật chuyên môn cho các bệnh viện. Trong 5 năm qua, bệnh viện đã và đang triển khai gần 10 đề tài khoa học cấp thành phố. Đưa vào ứng dụng thực tiễn những kết quả nghiên cứu khoa học… tạo ra nhiều chuyển biến mạnh mẽ, phát triển nhiều kỹ thuật tiên tiến nhằm điều trị, chăm sóc giảm bệnh ung thư một cách hiệu quả.
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, ung thư có thể phòng ngừa được khi mọi người biết tránh xa khói thuốc lá, uống ít rượu bia, ăn đúng, ăn lành (nhiều rau quả tươi, không quá mặn, quá ngọt, quá béo, quá cháy…), thể dục đều đặn, ngủ đủ, ngủ ngon, giữ cân tốt, phòng tránh bệnh nhiễm, tầm soát thường xuyên. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG