Theo các chuyên gia, hút thuốc lá (TL) sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tắc động mạch. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh nhân dễ bị hoại tử chi và có thể phải cắt bỏ hoàn toàn phần hoại tử.
Nguy cơ tắc động mạch chi dưới với người hút thuốc lá cao gấp 2-6 lần người bình thường; gấp 2-4 lần ở người mắc tiểu đường. |
Theo các chuyên gia, hút thuốc lá (TL) sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tắc động mạch. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh nhân dễ bị hoại tử chi và có thể phải cắt bỏ hoàn toàn phần hoại tử.
Đoạn chi- hậu quả của 30 năm hút thuốc
Bệnh viện Bình Dân vừa tiếp nhận bệnh nhân H.H.P. (52 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với chẩn đoán tắc nghẽn mạch máu. Ông P. trước đó đã phải cắt bỏ chân trái vì hoại tử do hút TL. Nay chân phải có dấu hiệu tê nhức, đi lại khó khăn nên ông tiếp tục nhập viện điều trị.
Bệnh nhân cho biết đã hút TL liên tục suốt 30 năm qua, mỗi ngày hút khoảng 1 gói; ban đầu chỉ hút vì thói quen, để qua cơn buồn ngủ, không nghĩ hậu quả lại nghiêm trọng đến vậy.
Theo Trưởng Khoa Phẫu thuật tim- mạch máu, Bệnh viện Bình Dân- Hồ Khánh Đức, trường hợp tắc nghẽn mạch máu nêu trên là do các chất độc hại trong TL bám vào mạch máu, không phát hiện và bỏ thuốc sớm nên dẫn đến hoại tử gây đau đớn dữ dội, phải đoạn chi. Song, theo bác sĩ, việc đoạn chi sẽ không quyết định kết quả điều trị, quan trọng là bệnh nhân phải bỏ hoàn toàn TL.
Đáng lưu ý, các trường hợp tắc mạch do hút TL dẫn đến phải đoạn chi như trên hiện nay không hiếm. Khi mới hút TL, người hút sẽ không mắc các vấn đề viêm tắc mạch máu ngay, mà đó là một quá trình tích lũy theo thời gian. Đối với tắc động mạch do hút TL, gần đây Khoa Phẫu thuật tim- mạch máu, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận nhiều nhất các bệnh nhân dưới 50 tuổi, trong đó rất thường xuyên có những bệnh nhân từ 20-30 tuổi hút nhiều TL dẫn đến hoại tử các đầu ngón chân, tay.
Theo các bác sĩ, đoạn chi không phải là phương pháp duy nhất. Nếu phát hiện sớm khi các đầu ngón tay chân mới bắt đầu bị tê, tím… và ý thức bỏ dần TL, bác sĩ có thể can thiệp phẫu thuật và khả năng hồi phục đến 90%. Song, đa số người dân Việt Nam thường đến bệnh viện trễ khi đã có dấu hiệu hoại tử.
Suýt bị cắt bỏ chi do nghiện thuốc lá
Các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 63 tuổi, nhập viện trong tình trạng 2 chân không thể tự di chuyển. Bệnh nhân L.C.T. có tiền sử hút TL nhiều năm liền (từ khi còn rất trẻ). Bác sĩ thăm khám và tiên lượng ban đầu đến 90% cần phải cắt bỏ chi.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Huy- Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, bệnh nhân đau chân khoảng 1 tháng nay, 3 ngày trước khi vào viện, tình trạng đau tăng lên. Bác sĩ chỉ định thăm dò tim mạch, hô hấp, xét nghiệm máu và chụp mạch, phát hiện người bệnh bị tắc hoàn toàn phần chậu, đùi, cẳng chân. Nguyên nhân là thiếu máu chi bán cấp tính, hậu quả của việc hút TL hàng chục năm.
Kíp quyết định mổ thông mạch kết hợp phương pháp Hybrid, giúp tìm được chỗ tắc rồi tiến hành nong động mạch, xử lý những chỗ hẹp mà dụng cụ khó tác động. Sau đó, bác sĩ đặt stent cho người bệnh và tiếp tục theo dõi tích cực. Sau 3 ngày, bệnh nhân chuyển biến tốt, có thể ngồi dậy nói chuyện, bảo toàn chi.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh phải được quản lý tốt bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt. Khi có dấu hiệu đau cách hồi, đau không thể đi lại, sưng tím ngón chân cần đi kiểm tra để giảm thiểu biến chứng. Nên bỏ TL, khám sức khỏe định kỳ và tập luyện thể thao để duy trì sức khỏe tốt.
Bệnh lý tắc động mạch là bệnh lý khá phổ biến trong cộng đồng, gây nên nhiều hậu quả nặng nề với sức khỏe người bệnh. Tổn thương tắc động mạch ở đâu thì gây hoại tử ở đó (tắc mạch máu não sẽ gây nhồi máu- hoại tử nhu mô não, tắc động mạch vành gây nhồi máu cơ tim- hoại tử cơ tim…). Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng tắc mạch, trong đó hút TL là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh lý này. |
Bài, ảnh: MAI ANH