Với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, chúng ta đã vượt qua đại dịch COVID-19, một đại dịch nguy hiểm, có quy mô toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng, cả về sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế- xã hội của các quốc gia trên thế giới.
(VLO) Với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, chúng ta đã vượt qua đại dịch COVID-19, một đại dịch nguy hiểm, có quy mô toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng, cả về sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế- xã hội của các quốc gia trên thế giới. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương vào ngày 29/10.
Đến 20/10/2023, COVID-19 đã chính thức được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B tại Việt Nam. |
“Chúng ta làm được điều không tưởng”
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thắng lợi đại dịch COVID-19 là thắng lợi của nhân dân dưới sự lãnh đạo kịp thời của Đảng Cộng sản Việt Nam, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư; sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, BCĐ Quốc gia; sự đồng hành của Chủ tịch nước, Quốc hội, sự phối hợp của MTTQ Việt Nam; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của chính quyền các cấp; đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao thành quả chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia “đi sau nhưng về trước” về phòng chống dịch, mở cửa các hoạt động kinh tế- xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 13/5/2022 hiệu quả nhất trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, TS Angela Pratt-Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã kiểm soát được số ca tử vong và ca mắc mới nhờ triển khai một loạt biện pháp về xã hội và y tế công cộng kịp thời, hiệu quả. “Việt Nam cũng phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong khu vực.
Cách thức ứng phó COVID-19 của Việt Nam trở thành hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về nhiều phương diện”- TS Angela Pratt nêu. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo tích hợp việc tiêm ngừa vaccine COVID-19 vào hệ thống tiêm chủng định kỳ.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, hội nghị hôm nay mang lại nhiều cảm xúc, đặc biệt là tình cảm biết ơn.
“Thay mặt lãnh đạo, nhân dân TP Hồ Chí Minh, xin trân trọng cảm ơn Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, BCĐ Quốc gia và các bộ, ban, ngành, địa phương, đồng bào cả nước, bà con ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế đã chia sẻ, đồng hành, giúp đỡ thành phố vượt qua đại dịch COVID-19”- Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị, cần trả lại sự trong sáng, kính trọng đối với ngành y tế và lực lượng tham gia phòng chống dịch. Không vì sai phạm một cá nhân mà có cái nhìn khác, thậm chí sai lệch những cống hiến của lực lượng quân y và ngành y tế.
Chuẩn bị năng lực y tế, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trong mọi tình huống
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực”.
Thủ tướng xúc động cảm ơn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội, công an và các lực lượng tuyến đầu phòng chống đại dịch COVID-19.
Tri ân sự hy sinh, đóng góp của các lực lượng, người dân tham gia phòng chống dịch, các nhà hảo tâm; sự đồng hành, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế...
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp các cơ quan tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị và báo cáo của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, xây dựng bộ tài liệu tương đối hoàn chỉnh phản ánh quá trình phòng chống dịch, đúc rút các bài học kinh nghiệm, làm tốt công tác tuyên truyền để có khả năng thích ứng linh hoạt, hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra trong tương lai.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, yêu cầu tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra. Thủ tướng cũng nhấn mạnh chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch COVID-19, hậu quả đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế...) trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp;…
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi cả về vật chất và tinh thần; đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Thủ tướng cho rằng dù còn những khiếm khuyết, song về tổng thể, BCĐ Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và BCĐ các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ giao phó và kết thúc nhiệm vụ tại đây.
Tại Vĩnh Long, từ đầu dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận trên 98.800 ca bệnh, 788 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong/mắc là 0,796%. Tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và cách tiếp cận an toàn để phát triển kinh tế; triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; huy động các nguồn lực phòng, chống dịch. Đặc biệt là triển khai hiệu quả các biện pháp chuyên môn về y tế đảm bảo người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất. Nhờ đó, dịch COVID-19 trên địa bàn đã được kiểm soát và khống chế tốt. |
Bài, ảnh: QUYÊN TÂN