Phòng tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ

01:10, 20/10/2023

Từ đầu tháng 10, nhờ tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh, bệnh đau mắt đỏ (ĐMĐ) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có chiều hướng giảm. Dù vậy, ngành y tế vẫn tiếp tục các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức phòng bệnh cho người dân và đảm bảo công tác điều trị, dự phòng, khống chế căn bệnh này.

 

Trẻ em bị đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh.
Trẻ em bị đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh.

Từ đầu tháng 10, nhờ tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh, bệnh đau mắt đỏ (ĐMĐ) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có chiều hướng giảm. Dù vậy, ngành y tế vẫn tiếp tục các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức phòng bệnh cho người dân và đảm bảo công tác điều trị, dự phòng, khống chế căn bệnh này.

Bệnh dễ lây lan thành dịch

Thống kê của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, những tuần gần đây, mỗi tuần ghi nhận dao động trên dưới 3.000 trường hợp mắc bệnh ĐMĐ đến cơ sở y tế khám và điều trị. Riêng tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận trên 1.700 ca, giảm gần phân nửa so với các tuần trước đó. Trong đó, trẻ em dưới 15 tuổi chiếm gần 50%.

Virus gây ĐMĐ là loại lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp, đường nước nên việc lây lan sang người khác rất dễ dàng và càng dễ bùng phát thành dịch. Khi người bệnh lấy tay dụi mắt rồi lại cầm điện thoại, điều khiển máy lạnh, nắm cửa, bấm vào thang máy, nước hồ bơi,… sau đó người lành chạm vào những vật dụng đó rồi lấy tay dụi mắt là đã có thể dính virus gây bệnh. Đây chính là nguyên nhân khiến từ một người trong gia đình có thể truyền bệnh cho nhiều người.

Thấy đôi mắt của con bị sưng đỏ, đổ ghèn, chị Lương Thu An (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) mua nước muối sinh lý nhỏ mắt liên tục cho con, nhưng bệnh không có dấu hiệu giảm mà ngày càng nặng hơn. Sau khi thăm khám, bác sĩ Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh xác định bé bị ĐMĐ. Chị An cho biết, đến nay, cả nhà chị gồm hai vợ chồng và 2 con đều bị đau mắt với những triệu chứng như trên.

Theo ngành y tế thời gian cuối tháng 8- 10 là giai đoạn bệnh ĐMĐ lây lan nhanh, ngoài ra sự thay đổi chủng virus lưu hành cũng là nguyên nhân làm cho số ca mắc tăng cao. Bệnh nhân thường có triệu chứng nhẹ và khỏi trong vòng 5-7 ngày, ít gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu điều trị không đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc dẫn đến khó điều trị hơn và gây nguy cơ giảm thị lực.

Đảm bảo công tác điều trị bệnh đau mắt đỏ

Bác sĩ Nguyễn Thái Chinh- Trưởng Khoa Khám bệnh cấp cứu, Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh, cho biết: “Hàng ngày đa số bệnh nhân tới khám diễn biến nặng và có mua thuốc tự xử lý ở nhà. Đa số bệnh ở độ tuổi đến trường lây với nhau.

ĐMĐ nếu không điều trị đúng giảm thị lực sau này. Khi có triệu chứng nhẹ cho bé đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để khám điều trị đúng thuốc có hướng dẫn để chăm sóc mắt tránh lây lan trong cộng đồng gia đình. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế bởi nếu dùng không đúng cách sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực”.

Thời gian qua, ngành y tế Vĩnh Long triển khai nhiều giải pháp bảo đảm việc cung ứng thuốc phục vụ điều trị và kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh ĐMĐ trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Theo BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai- Phó Giám đốc Sở Y tế, trước diễn biến phức tạp của tình hình ĐMĐ, ngành y tế cũng có chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đặc biệt là trung tâm y tế chủ động dự trù đủ cơ số thuốc phòng chống ĐMĐ.

“Riêng đối với thị trường cung ứng thuốc, cơ sở bán thuốc trên địa bàn qua giám sát nắm tình hình cơ bản đáp ứng nhu cầu yêu cầu về điều trị triệu chứng với ĐMĐ. Nhìn chung, việc cung ứng thuốc điều trị triệu chứng về ĐMĐ trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng cả về số lượng cũng như kiểm soát được giá”- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Bệnh ĐMĐ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay bệnh vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, những người bị ĐMĐ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Để chủ động phòng ngừa bệnh ĐMĐ, các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo, người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh tay thường xuyên, không đưa tay dụi mắt; sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để rửa mắt khi đi bên ngoài về; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh ĐMĐ.

“Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để sớm được thăm khám. Không tự ý mua thuốc, hoặc dùng thuốc của người này điều trị cho người khác.

Tại trường học, cơ quan, gia đình, cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, cách ly người bệnh, dùng riêng các dụng cụ như khăn, kính mắt, vỏ gối… Khi khỏi bệnh phải rửa sạch kính của mình bằng xà bông để tránh tái nhiễm lại”- bác sĩ Nguyễn Thái Chinh khuyến cáo.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh