Nhiều bệnh ung thư có liên quan đến khói thuốc lá

09:10, 23/10/2023

Theo BS.CK1 Trần Văn Tiền- Phó Giám đốc Sở Y tế, thuốc lá (TL) đã và đang gây ra những tác hại vô cùng to lớn cho sức khỏe con người, là nguyên nhân chính gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như ung thư (UT), đột quỵ, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
 

Khói thuốc lá chứa ít nhất 250 hóa chất độc hại và khoảng 50 trong số này đã được xác định là chất gây ung thư.
Khói thuốc lá chứa ít nhất 250 hóa chất độc hại và khoảng 50 trong số này đã được xác định là chất gây ung thư.
Theo BS.CK1 Trần Văn Tiền- Phó Giám đốc Sở Y tế, thuốc lá (TL) đã và đang gây ra những tác hại vô cùng to lớn cho sức khỏe con người, là nguyên nhân chính gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như ung thư (UT), đột quỵ, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
 
Khói thuốc lá chiếm 1/3 nguy cơ gây ung thư 
 
Theo BS.CK1 Trần Văn Tiền, việc hút TL là nguyên nhân chính hoặc có liên quan đến các loại UT nguy hiểm, trong đó đứng đầu là UT phổi. Có trên 90% những người UT phổi bởi sử dụng TL trong thời gian dài, đặc biệt, việc hút TL mỗi ngày trong vòng nửa năm cũng sẽ khiến nguy cơ mắc căn bệnh nan y này cao gấp 6 lần so với người bình thường.
 
Các bệnh nhân UT phổi chiếm đến 90% ở nam giới liên quan đến TL. Nữ giới 50-80% các bệnh nhân UT liên quan đến TL. TL có khoảng 7.000 các hoạt chất khác nhau và có đến 70 chất gây UT. 
 
Điều trị bệnh UT phổi tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, anh N.V.N. (46 tuổi, ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) đã được làm sinh thiết và chờ phác đồ điều trị từ bác sĩ. “Thời điểm hút TL nhiều nhất, mỗi ngày từ 1-2 gói, tôi chỉ bỏ hẳn khi phát hiện ra bệnh. Các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, một là do hút TL từ lâu, hai là do hút TL điện tử. Các bạn trẻ hãy tránh xa TL, đặc biệt, ai đang hút TL muốn bỏ là bỏ luôn chứ đừng sử dụng TL điện tử”- anh N. chia sẻ.
 
Việc hút TL tràn lan như hiện nay là nguyên nhân chính khiến UT phổi ở nam giới gia tăng. Cùng với đó, có phụ nữ bị UT phổi là do hít phải khói TL. Khói TL không chỉ gây UT phổi mà còn gây ra 15 loại UT.
 
Cùng với UT phổi, hút TL cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh UT thanh quản, UT vòm họng. Khi TL được hút vào, nó tấn công vào khoang miệng và họng đầu tiên, dễ thấy những người hút TL lâu năm thường thở khò khè, khó thở, giọng không rõ ràng. Những chất độc trong khói thuốc làm tê liệt các hàng phòng ngự của họng, gia tăng nguy cơ tổn thương từ những tác động bên ngoài.
 
Đáng nói, căn bệnh này có tỷ lệ phát hiện bệnh rất muộn, vì chỉ khi bệnh chuyển giai đoạn cuối thì mới biểu hiện triệu chứng rõ nét.
 
“Hút TL là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Và đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như UT, tim mạch”- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Bỏ thuốc lá phòng bệnh ung thư

 
Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, UT đầu và cổ là căn bệnh có tiên lượng xấu, tỷ lệ người mắc ngày một cao. Đây là loại UT phổ biến thứ 6 trên thế giới, thuộc nhóm UT phát sinh ở mũi, lưỡi, má, họng, amidan, thanh quản, tuyến nước bọt và tuyến giáp. Nguyên nhân gây UT đầu và cổ do hút TL, uống rượu, vệ sinh răng miệng kém và virus HPV.
 
Thống kê của Bộ Y tế, căn bệnh UT phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng, vòm họng thường xảy ra ở nam giới. Còn ở nữ giới, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu là UT vú, cổ tử cung, dạ dày, đại trực tràng. Số trẻ em mắc bệnh chiếm tới 1,6% số ca UT.
 
Hiện nay, số lượng phụ nữ mắc UT do TL khá cao, không chỉ bởi hút TL trực tiếp mà còn bởi hút TL thụ động, họ gần như là nạn nhân bất đắc dĩ của những người hút TL trong gia đình. UT vú và UT buồng trứng là hai căn bệnh có nguyên nhân một phần bởi TL. Được biết, khói TL cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
 
Theo các chuyên gia, 80% nguyên nhân gây UT có thể phòng tránh được liên quan đến hút TL, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, nguồn nước không sạch,... 20% còn lại không thể phòng tránh được là tuổi cao và gien di truyền.
 
Tại Hội thảo khoa học Ung bướu Cần Thơ lần thứ XII, do Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ tổ chức, các chuyên gia khẳng định, khói TL chiếm 1/3 nguy cơ gây UT (trên 70 chất gây UT và 15 loại UT), dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt chiếm 1/3 (chế độ ăn ít rau trái tươi, ít chất xơ, quá béo, quá mặn…), béo phì- ít vận động và bệnh nhiễm chiếm 1/5.
 
Do đó, để giảm thiểu nguy cơ mắc UT, trước hết mọi người cần tránh xa các nguồn có thể gây bệnh. Việc từ bỏ TL để phòng ngừa các bệnh UT nguy hiểm. Cộng đồng cần quan tâm đúng mức đến việc tầm soát bệnh nói chung, tầm soát UT nói riêng 6 tháng/lần…
Trên thế giới, cứ 4 giây có 1 người tử vong do các bệnh liên quan đến TL. Mỗi ngày, có xấp xỉ 21.000 người tử vong. Còn tại Việt Nam, ước tính có khoảng 60.000 ca UT do TL gây ra mỗi năm. Nguy hiểm là thế nhưng nhiều người vẫn thờ ơ trước làn khói trắng để khi phát hiện căn bệnh hiểm nghèo thì hối hận cũng quá muộn màng.
Bài, ảnh: MAI ANH
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh