Học sinh nói không với thuốc lá

03:10, 19/10/2023

Nâng cao nhận thức cho học sinh về các mối nguy hại từ việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá (TL) giúp cho các bạn trẻ hiểu hơn để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường học đường không khói TL.

 

 

Giới trẻ vô tư phì phèo thuốc lá điện tử.
Giới trẻ vô tư phì phèo thuốc lá điện tử.

Nâng cao nhận thức cho học sinh về các mối nguy hại từ việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá (TL) giúp cho các bạn trẻ hiểu hơn để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường học đường không khói TL.

Tác hại của thuốc lá trong học đường

Hút TL và khói thuốc gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe con người, đã được cảnh báo rộng rãi. Gánh nặng kép vừa hút TL truyền thống vừa hút TL điện tử đã và đang đe dọa sức khỏe người dân nói chung và giới trẻ nói riêng.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, học sinh, sinh viên dễ dàng sở hữu TL điện tử với đủ hình dạng, kích thước có thể mang vào trường, lớp mà không bị phát hiện. Sự “mới lạ” của TL điện tử đã đánh trúng vào tâm lý của một bộ phận học sinh, sinh viên và nhanh chóng xâm nhập vào trường học, gây ra những hậu quả, ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ.

Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng TL điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng TL trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng TL điện tử học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%.

TL điện tử có chứa nicotine là một chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác. Ngoài nicotine, TL điện tử còn chứa các hóa chất khác và khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe.

Hình ảnh học sinh, giới trẻ sử dụng TL điện tử công khai, phổ biến nhiều nơi là hiện tượng đáng báo động. Chị Phạm Mai Anh (TP Vĩnh Long) cảm thấy thực sự lo lắng khi thời gian qua liên tiếp xảy ra sự việc học sinh phải nhập viện do hút TL điện tử.

Trong khi đó, trên các trang mạng, loại sản phẩm độc hại này vẫn được quảng cáo rất công khai. “Tại các quán cà phê tôi thấy có nhiều em trai có khi còn mặc đồng phục vô tư nhả khói. Lúc đầu tôi còn không biết đó là TL điện tử vì mùi khói thơm thơm không khó chịu như TL điếu. Con trai cũng đang tuổi dậy thì, nên tôi hay đưa đường link bài báo nói về học sinh ngộ độc do hút TL điện tử cho con xem, để con tránh”.

Không ít phụ huynh có chung nỗi lo lắng như chị Mai Anh. TL điện tử giá thành rẻ, nhiều hình dạng, hương thơm cùng những lời quảng cáo về một kiểu hút thuốc không gây hại, sành điệu đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện cái tôi của tuổi mới lớn.

Tuyên truyền tác hại thuốc lá đến học đường

Để xây dựng môi trường học đường không khói TL, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chú trọng công tác tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của TL và nghiêm cấm việc hút TL tại cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) tổ chức truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại của TL, đặc biệt là các sản phẩm TL điện tử hướng đến đối tượng các em học sinh, để các em nhận thức được tác hại của nó mà tránh xa.

Theo BS.CK1 Phan Gia Hoàng (CDC tỉnh), trong TL điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ vị thành niên khi sử dụng có thể vật vã, khó chịu.

Nicotine làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, các cơn đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng và các vấn đề sức khỏe khác. Đặc biệt còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện.

“Bên cạnh đó, TL điện tử ngoài nicotine còn có hơn 7.000 hóa chất, hương liệu để tạo mùi, khi các chất này được đun nóng hóa hơi sẽ thành các chất độc hại phát tán sâu vào cơ thể, đặc biệt là lá phổi gây ra các bệnh lý về phổi nguy hiểm. Sử dụng lâu có thể gây nghiện, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm não bộ tổn thương do tiếp xúc với chất kích thích kéo dài, nhất là đối với học sinh, trẻ vị thành niên”, BS Gia Hoàng cho biết thêm.

Theo em N.H.T.- học sinh Trường THPT Phan Văn Hòa (Tam Bình), để giữ gìn môi trường không khói TL ở trường học, trước hết mỗi học sinh phải tự nhận thức về tác hại của TL, TL điện tử. Từ đó, có biện pháp phòng tránh, nhất là không nghe theo lời của bạn bè rủ rê sử dụng TL. Bởi điều này không chỉ nguy hại cho sức khỏe bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.

“Ở trường cũng như về nhà, em được thầy cô, cha mẹ kể rất nhiều về tác hại của TL nên bản thân luôn tránh xa nó. Nếu bạn bè có rủ, em sẽ phản ánh lại với thầy cô, nhà trường biết để xử lý”- em T. cho biết.

BS Phan Gia Hoàng truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Trường THPT Phan Văn Hòa (Tam Bình).
BS Phan Gia Hoàng truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Trường THPT Phan Văn Hòa (Tam Bình).

Trước những mối nguy tiềm ẩn từ TL điện tử, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm, chú ý tới con cái, đặc biệt là các dấu hiệu bất thường ở trẻ, như: thường xuyên trong tình trạng lơ mơ, chậm chạp, mất tập trung, nói lảm nhảm... cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.

Cùng với đó, gia đình và nhà trường cần tăng cường truyền thông, giáo dục cho trẻ vị thành niên để các em hiểu rõ những tác hại nghiêm trọng của TL điện tử, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cùng các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ mắc phải.

Bài, ảnh: QUYÊN PHONG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh