Gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim do hút thuốc lá

11:10, 05/10/2023

Theo bác sĩ Khoa Tim mạch (TM), BVĐK Trung ương Cần Thơ, bình quân người trẻ mắc các bệnh lý TM ở vùng ĐBSCL những năm gần đây tới khám và điều trị đã tăng nhiều, trong đó đa phần nhóm tuổi trẻ dưới 40.

Theo bác sĩ Khoa Tim mạch (TM), BVĐK Trung ương Cần Thơ, bình quân người trẻ mắc các bệnh lý TM ở vùng ĐBSCL những năm gần đây tới khám và điều trị đã tăng nhiều, trong đó đa phần nhóm tuổi trẻ dưới 40.

Bệnh tim mạch là kẻ giết người số 1 thế giới

Tại Hội nghị TM 2023, ngày 30/9, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền- Giám đốc Bệnh viện Tim, Chủ tịch Hội TM Hà Nội, cho biết: “Bệnh TM luôn được ví như “kẻ giết người số 1 thế giới” vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại, nhiều hơn cả bệnh ung thư”.

10 năm trước, mỗi năm Bệnh viện Tim Hà Nội làm thủ thuật TM can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân. Hiện, số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật TM can thiệp ngày càng nhiều với tốc độ tăng 15% mỗi năm. Điều đáng lo ngại là người mắc bệnh TM ngày càng trẻ hóa, trong đó nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 được ghi nhận.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh TM, chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 20 lần số tử vong do ung thư và gấp 10 lần số tử vong vì tai nạn giao thông.

Không chỉ người già, ngày càng ghi nhận nhiều người trẻ thậm chí rất trẻ mắc các bệnh lý TM, có những người chỉ khoảng 30 tuổi cũng xảy ra tim ngừng đập đột ngột và nguy cơ đột tử rất cao.

Xuất hiện các cơn đau nhẹ ở ngực từ khoảng 1 năm nay và rồi cơn đau càng nặng hơn khiến chị P.T.H. (Vĩnh Long) phải nhập viện cấp cứu, can thiệp TM khẩn cấp tại BVĐK Trung ương Cần Thơ. Một bệnh nhân nam dù mới 25 tuổi, nhưng anh đã có tiền sử hút thuốc lá (TL) nhiều năm. “Hút TL 9-10 năm nay. Không nghĩ là mình bị như thế này đâu, vì mình còn quá trẻ”, bệnh nhân chia sẻ. Vì nghĩ trẻ nên không dễ mắc bệnh, nhiều người buông lỏng “lối sống”, bởi vậy nên một thanh niên khác đã mắc suy tim từ khi mới 15 tuổi.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến số ca TM ngày càng tăng là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân béo phì, nguy cơ hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, từ đó dẫn đến các bệnh TM. Ngoài ra, lối sống công nghiệp, ít vận động, lạm dụng rượu bia, hút TL, thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng góp phần khiến số ca mắc mới tăng.

Bên cạnh đó, không khí ô nhiễm có mối liên quan đến khoảng 1/4 các trường hợp tử vong do bệnh lý TM và đột quỵ, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Khi tiếp xúc các nguồn ô nhiễm khác thường xuyên và lâu dài sẽ làm tăng 10-20% nguy cơ mắc các bệnh TM và đột quỵ.

Ổn định huyết áp để bảo vệ trái tim

Theo các chuyên gia y tế, riêng ở nam giới những người hút trên 1 gói TL/ngày có nguy cơ đột quỵ cao gấp nhiều lần người bình thường. Ngoài TL, môi trường sống, lối sống, chế độ ăn uống hoặc người hay lo nghĩ căng thẳng cũng ảnh hưởng lớn đến các bệnh lý TM. Các bác sĩ cũng chia sẻ, vào những thời điểm nắng nóng nguy cơ đột quỵ sẽ cao hơn, đặc biệt với những người có bệnh lý với hệ mạch máu nên người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe.

Ngày TM thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 29/9 nhằm tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tăng cường sức khỏe TM, phòng ngừa và tránh những rủi ro về sức khỏe TM.

Với thông điệp “Ổn định huyết áp để bảo vệ trái tim”, Bộ Y tế mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người dân và cộng đồng: thực hiện chế độ ăn uống, làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi, TDTT hợp lý để ổn định huyết áp, từ đó có trái tim khỏe mạnh, duy trì cuộc sống khỏe mạnh, không bệnh tật.

Để phòng bệnh TM, Hội TM Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong việc thực hiện lối sống khỏe mạnh bao gồm ăn uống, luyện tập, tránh thói quen có hại như hút TL, uống rượu, bia nhiều… cho đến khám sức khỏe định kỳ. Tuyên truyền để người dân biết được các chỉ số về cân nặng, huyết áp, đường huyết, mỡ máu… và đặc biệt phát hiện sớm các bệnh lý TM hoặc yếu tố nguy cơ đi kèm khác để có phương án điều trị kịp thời nhằm tránh các biến cố TM cũng như tránh tái phát.

Theo BS.CK2 Huỳnh Kim Phương- Trưởng Khoa Nội TM- Lão khoa, BVĐK Vĩnh Long, ai cũng có nguy cơ mắc các bệnh về TM, đặc biệt là nhóm người hút TL nhiều, bị stress, có tiền sử tăng huyết áp, rối loại mỡ máu… Nếu bất chợt xuất hiện khó thở hoặc khó thở thường xuyên, đau thắt ngực, tự nhiên tím tái, đi lại chân mỏi hoặc hồi hộp bất thường thì có thể là các bệnh TM và cần được thăm khám ngay.

Để phòng ngừa bệnh TM, theo BS.CK2 Huỳnh Kim Phương người dân cần kiểm soát cân nặng, giảm cân nặng (nếu thừa cân); không ăn nhiều mỡ động vật; ăn nhiều rau, trái cây; không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn, dưới 6g muối/ngày); tập đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày; hạn chế uống rượu, bia; thường xuyên kiểm tra số đo huyết áp của mình. Kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu…) để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ đó.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh