Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, những ngày gần đây số lượt trẻ đến khám vì đau mắt đỏ tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, những ngày gần đây số lượt trẻ đến khám vì đau mắt đỏ tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, trong vài ngày qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) tiếp đón khoảng 200 lượt trẻ/ngày đến khám vì đau mắt đỏ, tăng gấp 10 lần lượt khám so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là vấn đề mà các bậc phụ huynh đang quan tâm và lo ngại cho con mình, trước tình hình bệnh lý đau mắt đỏ tăng lên và lây nhanh trong trường học, gia đình.
Phụ huynh đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Ảnh: BV). |
Có thể gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn
Đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng viêm cấp tính của lớp kết mạc nhãn cầu và kết mạc mi mắt. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là do Enterovirus.
Các dấu hiệu của bệnh bao gồm: Mắt đỏ, đổ ghèn nhiều, chảy nước mắt, sưng nề mi mắt, có cảm giác cộm xốn, đau mắt hoặc ngứa mắt, có thể kèm theo triệu chứng toàn thân như nổi hạch, sốt.
Thời gian kéo dài của bệnh có thể từ 7-14 ngày, tùy tình trạng bệnh và đáp ứng điều trị.
Các bác sĩ chia sẻ, bệnh đau mắt đỏ thường lành tính và ít dẫn đến biến chứng. Nhưng trong một số trường hợp, viêm kết mạc có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn dẫn đến giảm thị lực.
Cách phòng ngừa bệnh
Đường lây truyền chính của bệnh đau mắt đỏ là do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết (như nước mắt, nước bọt, giọt bắn đường hô hấp của người bệnh) qua việc bắt tay, sờ chạm; tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng cá nhân của người bệnh, bề mặt có virus, vi khuẩn gây bệnh.
Vì vậy, để phòng ngừa bệnh, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp sau:
- Thường xuyên vệ sinh môi trường sống và vệ sinh cá nhân.
- Dùng riêng vật dụng cá nhân trong nhà và nơi làm việc học tập.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Hạn chế dùng tay chạm vào mắt.
- Cẩn trọng trong việc dùng kính áp tròng.
- Mang kính bảo vệ khi ra ngoài hoặc khi làm việc trong môi trường nhiều khói bụi.
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn đầy đủ chất.
Làm gì khi phát hiện bản thân hoặc con bị đau mắt đỏ?
Bác sĩ khuyến cáo, khi có các triệu chứng đau mắt đỏ, bệnh nhân cần khám ngay bác sĩ chuyên khoa Mắt để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó tránh các biến chứng có thể xảy ra, cũng như tránh lây lan thành dịch.
Cách chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ:
- Không đưa tay lên dụi mắt, lau nước mắt.
- Không sử dụng khăn sữa, khăn ướt lau nước mắt. Chỉ sử dụng bông gòn, lau một lần rồi bỏ.
- Giặt chăn mền thường xuyên, lau chùi vệ sinh nhà cửa, đồ chơi và vật dụng cá nhân của bé.
- Hạn chế tiếp xúc gần, như ôm, hôn, cầm tay…
- Vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn.
- Vệ sinh bằng nước muối sinh lý khi mắt đổ ghèn, hoặc trước khi nhỏ thuốc 15 phút.
- Sử dụng thuốc theo toa và hướng dẫn của bác sĩ, tái khám theo hẹn hoặc khi tình trạng nặng hơn. Không tự ý mua toa ngoài, không dùng cùng 1 lọ thuốc với nhau.
- Tăng cường sức đề kháng bằng vitamin C (nước cam, chanh...).
Sở Y tế TPHCM vừa công bố kết quả trình tự gen chi tiết để tìm ra tác nhân gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn trong thời gian qua.
Theo đó, các mẫu bệnh phẩm có tải lượng virus phù hợp, dương tính với enterovirus (86% tổng số mẫu) đều cho kết quả là biến thể Coxsackievirus A24. Trong 14% mẫu dương tính với adenovirus, cơ quan chức năng phát hiện 11% là human Adenovirus 54 (hAdV-54) và 3% là human Adenovirus 37 (hAdV-37).
Như vậy, tác nhân chính gây ra viêm kết mạc mắt trong đợt bùng phát đau mắt đỏ tại TPHCM chủ yếu do Coxsackievirus A24. Ngoài ra, còn do human Adenovirus 54 và Adenovirus 37.
Theo Dân Trí