Thuốc lá làm tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm

10:09, 27/09/2023

Theo các chuyên gia y tế, hút thuốc lá (TL), ăn uống thiếu lành mạnh, lạm dụng bia rượu, lười vận động, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

 

 

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch...
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch...

Theo các chuyên gia y tế, hút thuốc lá (TL), ăn uống thiếu lành mạnh, lạm dụng bia rượu, lười vận động, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

Bộ Thông tin-TT vừa phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của TL (thuộc Bộ Y tế) và Tổ chức HealthBridge Canada tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về giải pháp phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, trong số 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người do các bệnh không lây nhiễm, trong đó nguyên nhân do bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) chiếm 6%, đái tháo đường chiếm 4% và các bệnh không lây nhiễm khác chiếm 18%.

Các bệnh không lây nhiễm thường không xác định được nguyên nhân cụ thể, mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển như môi trường sống không lành mạnh, TL, rượu bia, các loại thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn nhiều muối và đường (đặc biệt là trong các đồ uống ngọt), ít vận động.

Theo TS Angela Pratt- Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, hiện nay bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm, TL gây thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 4,5 tỷ USD. TL không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân, giảm năng suất lao động, mà còn là nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu.

WHO khuyến nghị, tất cả các loại TL đều độc hại bao gồm cả TL điện tử và TL nung nóng và không có bằng chứng nào chứng minh rằng TL điện tử, TL nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm TL thông thường.

Theo bà Trần Thị Trang- Vụ trưởng Vụ BHYT, Phó Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ Phòng, chống tác hại TL, TL điện tử, TL nung nóng có nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như TL thông thường.

Quỹ BHYT đang chi nhiều cho các bệnh có liên quan đến các bệnh không lây nhiễm, trong đó bệnh ung thư, tim mạch chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí BHYT hiện nay. “Những bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư là 3 nhóm bệnh điển hình và chi phí rất lớn, người bệnh mắc các bệnh này thì “từ nghèo sẽ trở nên khánh kiệt”, “từ cận nghèo trở thành nghèo” chỉ trong một vài tháng.

TL điện tử cũng giống như TL điếu thông thường, sử dụng nhiều, thường xuyên sẽ mắc các bệnh mãn tính. Thậm chí, TL điện tử còn có nhiều tác hại cấp tính với sức khỏe, có thể gây tử vong. Hội chứng tổn thương phổi cấp do TL điện tử đã được ghi nhận rất nhiều, đặc biệt ở Mỹ”- bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.

Những bệnh không lây nhiễm được coi như là “kẻ giết người thầm lặng” vẫn luôn đặt ra những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng do tỷ lệ mắc ngày càng cao và những hậu quả, di chứng nặng nề.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp can thiệp mang lại hiệu quả, chi phí thấp nhằm giảm nguy cơ gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng thuế TL (làm giảm sức mua), cấm hoàn toàn quảng cáo và tài trợ TL; quy định hạn chế bán rượu; tiến hành các chương trình nâng cao dinh dưỡng và hoạt động thể lực…

Theo BS.CK2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh, để phòng tránh tốt nhất sự xuất hiện của các bệnh không lây nhiễm, chúng ta hãy thực hiện tốt việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ này bằng các biện pháp như: bỏ TL; tăng cường vận động thể lực, tích cực tham gia TDTT; hạn chế rượu bia và có chế độ ăn uống hợp lý...

Hạn chế muối, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ; đồ uống ngọt, có ga; tăng cường rau xanh, trái cây… Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, hạn chế mắc các bệnh lý không lây nhiễm.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh