Phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ

07:09, 19/09/2023

Năm học mới đã bắt đầu và đây cũng là thời điểm thời tiết thay đổi, thuận lợi cho nhiều loại vi trùng, siêu vi trùng gây bệnh phát triển lây lan, đe dọa sức khỏe của trẻ. Trước tình trạng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang lưu hành thì việc bảo vệ sức khỏe học sinh luôn được ngành giáo dục và y tế Vĩnh Long đặc biệt quan tâm.

 

 

BS.CK2 Lương Hữu Thiện khám bệnh đau mắt đỏ cho học sinh tại Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh.
BS.CK2 Lương Hữu Thiện khám bệnh đau mắt đỏ cho học sinh tại Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh.

Năm học mới đã bắt đầu và đây cũng là thời điểm thời tiết thay đổi, thuận lợi cho nhiều loại vi trùng, siêu vi trùng gây bệnh phát triển lây lan, đe dọa sức khỏe của trẻ. Trước tình trạng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang lưu hành thì việc bảo vệ sức khỏe học sinh luôn được ngành giáo dục và y tế Vĩnh Long đặc biệt quan tâm.

Chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ trong trường học

Thấy mắt con bị đỏ, ngứa và đổ nhiều ghèn, chị Lê Hồng Trắng (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho con nghỉ học và đưa con đến Bệnh viện (BV) Chuyên khoa mắt tỉnh thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị đau mắt đỏ (ĐMĐ). “Mắt bé đỏ, đổ ghèn nên chở đi khám. Vô BV khám, bác sĩ nói bé bị ĐMĐ và dặn cho bé nghỉ học khi nào hết hẳn mới đi vô trường để khỏi lây lan cho bạn”.

Theo BV Chuyên khoa mắt Vĩnh Long, hiện nay bệnh ĐMĐ đang có chiều hướng gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh. Trong tuần đầu tháng 9, mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 10 trường hợp mắc bệnh ĐMĐ đến khám điều trị, thì hiện nay đã tăng gấp 3 lần với mỗi ngày trên 30 trường hợp.

Bệnh tập trung ở lứa tuổi đi học và xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đây cũng là vấn đề mà các bậc phụ huynh đang quan tâm và lo ngại cho con mình, trước tình hình bệnh lý ĐMĐ tăng lên và lây nhanh trong trường học, gia đình.

Chị Nguyễn Thảo Trang (phường Trường An, TP Vĩnh Long) cho biết: “Con trai bị ĐMĐ, cũng không biết lây từ đâu. Chị cho con nghỉ học 1 tuần để tránh lây các bạn trong lớp”.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh ĐMĐ xảy ra do nhiễm virus. Bệnh khởi phát 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây, triệu chứng ban đầu với các biểu hiện như ngứa, xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt, bệnh thường xuất hiện ở một mắt, sau đó lan sang hai mắt. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào và dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua đường tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân hoặc qua đồ dùng cá nhân.

BS.CK2 Lương Hữu Thiện- Phó Giám đốc BV Chuyên khoa mắt tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Bệnh ĐMĐ lây lan theo đường hô hấp nên khi nói chuyện, tiếp xúc đặc biệt là dịch tiết khi nhảy mũi, hắt hơi,… thì dễ dàng lây lan nhanh. Khi mắc ĐMĐ, người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) để rửa mắt.

Bệnh này diễn biến trong 5-7 ngày bệnh sẽ khỏi, một số trường hợp biến chứng viêm giác mạc. Khi bị ĐMĐ chúng ta đến cơ sở y tế để khám điều trị kịp thời tránh trường hợp biến chứng gây viêm giác mạc ảnh hưởng đến thị lực về sau”.

Để phòng lây lan bệnh ĐMĐ, Phó Giám đốc BV Chuyên khoa mắt tỉnh khuyến cáo, đối với trường học, khi có học sinh, giáo viên ĐMĐ cần cho nghỉ học cách ly tại nhà từ 5-7 ngày, tránh lây lan. Nhà trường tăng cường công tác vệ sinh, tạo sự thông thoáng trong phòng học, phòng ăn.

Hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà bông và không dụi tay bẩn lên mắt; tăng cường dinh dưỡng, nhằm tăng sức đề kháng cho các em, nhất là các loại nước trái cây chứa vitamin C. Các giáo viên, bảo mẫu phải rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang mỗi khi chăm sóc cho từng trẻ.

Tăng cường phòng chống bệnh truyền nhiễm

Hiện nay, Vĩnh Long đang vào cao điểm mùa mưa và học sinh đã bước vào năm học mới là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác phát triển.

Chăm con gái lớp 3 bị trái rạ (bệnh thủy đậu) tại nhà, chị Trần Phương Thảo (Phường 3, TP Vĩnh Long) cho biết: “Con mệt, sốt, chị cứ tưởng con bị cảm sốt thông thường. Ai dè mặt con nổi bóng nước, rồi nổi khắp người đi BV khám mới biết con bị trái rạ. Hy vọng nốt rạ mau lành con không bị sẹo”.

Theo Trưởng Trạm Y tế TT Long Hồ Mai Thị Ngọc Ngân, xác định trường học là môi trường dễ lây lan nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ngay từ đầu năm học nhân viên y tế địa phương tích cực phối hợp với các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tuyên truyền hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân và hướng dẫn giáo viên cách nhận biết dấu hiệu khi trẻ mắc bệnh để kịp thời cách ly, tránh lây lan cho trẻ khác.

Rửa tay sạch bằng xà bông thường xuyên là biện pháp giúp học sinh phòng các bệnh truyền nhiễm hữu hiệu.
Rửa tay sạch bằng xà bông thường xuyên là biện pháp giúp học sinh phòng các bệnh truyền nhiễm hữu hiệu.

Để kịp thời phát hiện, xác minh và xử lý ca bệnh, xử lý ổ dịch, tránh lây lan cho cộng đồng, theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- Huỳnh Thanh Tân, trung tâm đề nghị trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tăng cường giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát theo sự kiện và ứng phó với bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh.

“Ngoài ra, tích cực triển khai truyền thông theo dõi, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh đảm bảo sức khỏe cho học sinh; cần đa dạng hóa các hình thức truyền tải thông tin phù hợp. Đối với bệnh tay chân miệng, bước vào năm học mới, ngoài việc dạy vệ sinh tay đúng cách cho trẻ, giáo viên cũng cần hướng dẫn phụ huynh vì đây cũng là yếu tố nguy cơ lây nhiễm, truyền mầm bệnh cho trẻ”- BS Huỳnh Thanh Tân nói.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến giữa tháng 9, bệnh tay chân miệng ghi nhận 1.160 ca mắc, tăng 51% so với cùng kỳ; sốt xuất huyết ghi nhận 1.540 ca mắc. Thủy đậu ghi nhận gần 290 ca mắc, ngoài ra các bệnh truyền nhiễm khác cũng có xu hướng gia tăng so với năm 2022.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh