Không nên tự ý điều trị đau mắt đỏ tại nhà

07:09, 16/09/2023

Trong những ngày qua, Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh và các phòng mạch bác sĩ chuyên khoa mắt tiếp nhận khá nhiều người dân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc). Dù bệnh dễ lây lan nhưng có thể phòng ngừa bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa sạch tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn.

 

Bệnh nhân đến khám điều trị bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh.  Ảnh: Tư liệu
Bệnh nhân đến khám điều trị bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh. Ảnh: Tư liệu

Trong những ngày qua, Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh và các phòng mạch bác sĩ chuyên khoa mắt tiếp nhận khá nhiều người dân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc). Dù bệnh dễ lây lan nhưng có thể phòng ngừa bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa sạch tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn.

Người lớn, trẻ em đều có thể bị đau mắt đỏ

“Sáng thức dậy mắt đổ ghèn nhầy, dính mi, có cảm giác cộm, xốn, đau, nặng mi… nhìn kiếng thấy mắt đỏ nên đi khám. Bác sĩ nói mắt cô bị viêm, đau mắt đỏ”- cô Nguyễn Thị Ngọc Lan (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho biết khi vừa khám mắt tại Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh.

Đưa 2 con đi khám mắt tại Phòng khám Mekomed (Phường 4, TP Vĩnh Long), chị Lê Ngọc Hân cho biết: “Cậu Út là sinh viên ở Sài Gòn về nhà nghỉ lễ bị đau mắt rồi lây cho 2 cháu cùng bị đau mắt đỏ. Tưởng bệnh đơn giản, nhưng điều trị rất dai dẳng, bất tiện. Các bé phải nghỉ học hơn tuần nay”.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm virus, là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt). Bệnh khởi phát 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây, triệu chứng ban đầu, bệnh thường xuất hiện ở một mắt, sau đó lan sang hai mắt với các biểu hiện như: xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều rỉ, khó mở mắt khi ngủ dậy. Ở trẻ nhỏ kèm viêm mũi, họng, sốt.

Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh nguy cơ xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, khiến bệnh lâu khỏi hoặc gây tổn thương giác mạc). Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét, ảnh hưởng thị lực lâu dài của trẻ. “Đây là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, nó gây ra rất nhiều bất tiện cho người bệnh như khó chịu, đau nhức và nếu không chăm sóc cẩn thận thì có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn”- BS.CK1 Lê Minh Phương- Trưởng Phòng Kế hoạch chỉ đạo tuyến Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh, nhấn mạnh.

Cách phòng và tránh lây lan

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh ít để lại di chứng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, lao động. Tuy nhiên, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Người bị đau mắt đỏ rồi có thể bị nhiễm lại sau khi khỏi bệnh, dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc.

Trước tình hình gia tăng ca bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt là trẻ đi học, các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo phụ huynh tránh hoang mang, cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, cho chính mình và những người thân trong gia đình theo khuyến cáo của ngành y tế.

Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp. Đặc biệt, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Nếu dùng không đúng cách sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực. Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ có chỉ định phù hợp theo từng trường hợp cụ thể tùy vào nguyên nhân và mức độ của bệnh. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh nghỉ làm/nghỉ học từ 5-7 ngày, hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác.

“Nếu một gia đình có người bị đau mắt đỏ trong thời điểm hiện nay, khả năng rất cao các thành viên còn lại cũng bị. Nếu phòng ngừa đúng, người bệnh được điều trị kịp thời thì bệnh nhanh khỏi, ít có biến chứng. Đáng lưu ý, thuốc nhỏ mắt cũng như tất cả các loại thuốc điều trị khác đều phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, người dân không tự ý đi mua về dùng. Loại duy nhất người dân có thể tự mua để sử dụng là nước muối sinh lý nhỏ mắt NaCl 0,9%”- BS.CK1 Lê Minh Phương khuyến cáo.

Để phòng tránh, BS Minh Phương lưu ý, người dân đặc biệt là trẻ nhỏ cần hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà bông và dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Nếu mắt chảy nhiều nước, có nhiều ghèn rỉ, cần sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (một lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy, tránh tạo nguồn lây cho gia đình và người xung quanh; vệ sinh tay sau khi vệ sinh mắt.

Ngoài ra, không đeo kính áp tròng khi đang bị đau mắt đỏ. Tại trường học, cơ quan, gia đình... cần tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, cách ly người bệnh. Người bệnh sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như thực phẩm, khăn rửa mặt, mền, gối ngủ. Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người. Khi khỏi bệnh, phải rửa sạch kính của mình bằng xà bông để tránh tái nhiễm.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh