Bỏ thuốc lá, phòng bệnh COPD

06:09, 20/09/2023

Theo các bác sĩ, khoảng 90% các ca mắc phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là do hút thuốc lá (TL). Hầu hết những người mắc bệnh này đều hút TL hoặc đã từng hút TL. Còn lại là do các yếu tố nguy cơ khác như: môi trường làm việc nhiều khói bụi, di truyền, tuổi cao.

 

Bệnh nhân điều trị bệnh COPD tại Bệnh viện Phổi tỉnh.
Bệnh nhân điều trị bệnh COPD tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Theo các bác sĩ, khoảng 90% các ca mắc phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là do hút thuốc lá (TL). Hầu hết những người mắc bệnh này đều hút TL hoặc đã từng hút TL. Còn lại là do các yếu tố nguy cơ khác như: môi trường làm việc nhiều khói bụi, di truyền, tuổi cao.

90% các ca mắc phổi tắc nghẽn mạn tính là do hút thuốc lá

Những bệnh nhân mắc COPD đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Vĩnh Long phần lớn do thời gian dài hút TL. Anh N.V.N. (46 tuổi, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) được chẩn đoán bị bệnh COPD từ tháng 1/2023. Đây là lần thứ 2 anh N. nhập viện trong vòng 2 tháng qua vì khó thở kéo dài, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém và luôn bị hành hạ bởi những cơn ho. Anh N. nhập viện do tràn khí màng phổi trái có suy hô hấp trên nền bệnh nhân COPD. Các bác sĩ phải tiến hành mở màng phổi tối thiểu, kết hợp kháng sinh, giãn phế quản, thở oxy điều trị cho bệnh nhân.

Đang điều trị nội trú vì mắc bệnh COPD, ông L.V.H. (57 tuổi, xã Long Phước, huyện Long Hồ) chia sẻ, tính đến thời điểm phát hiện mình mắc bệnh COPD thì ông đã có thâm niên hút TL gần 40 năm. Mấy năm gần đây, ông thường xuyên khó thở, tức ngực, ho nên mới đi khám. Kể từ đấy ông cũng ở viện nhiều hơn ở nhà. Bác sĩ cho biết, ông sẽ phải gắn bó với căn bệnh COPD đến hết phần đời còn lại, nếu tiếp tục hút TL thì tình hình bệnh sẽ ngày càng nặng hơn.

Theo BS.CK1 Phạm Văn Hoàng- Trưởng Khoa Bệnh phổi- Dinh dưỡng, Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh “tử thần” này chủ yếu vẫn là thói quen hút TL, thuốc lào hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, khí thải công nghiệp. Thậm chí, những người hút TL thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Bên cạnh các nguyên nhân khác như: sự già hóa dân số, người có dung tích phổi nhỏ bẩm sinh.

Trong TL chứa khoảng từ 6.000-7.000 chất hóa học, khi hít phải sẽ gây tình trạng phá hủy cấu trúc của phế quản dẫn đến tình trạng bệnh lý của bệnh COPD. Trên thực tế bệnh nhân điều trị tại khoa đa số vào viện do tình trạng hạn chế thông khí đường thở, đặc biệt COPD chiếm 50% và phần lớn có tiền sử hút TL rất nhiều. Hậu quả là người bệnh bị mất sức lao động, không thể tự chăm sóc bản thân.

Bỏ thuốc lá, phòng bệnh COPD

Tại Việt Nam, người mắc bệnh COPD từ 40 tuổi trở lên chiếm 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ. Tuy không thể chữa khỏi hẳn, nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị triệu chứng. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân tránh được những diễn biến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong và giảm gánh nặng kinh tế cho
xã hội.

Theo các bác sĩ, TL là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh COPD. Hút TL làm cho các yếu tố nguy cơ khác của bệnh này trở nên mạnh hơn. Đặc biệt, những người hút TL bị ảnh hưởng xấu hơn bởi ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng và phơi nhiễm với các chất khói độc so với người không hút TL. Người hút TL có tỷ lệ tử vong do bệnh COPD cao gấp 10 lần so với người không hút TL.

Những bệnh nhân mắc COPD còn phải đối mặt với các biến chứng làm suy giảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ như bệnh lý tâm phế mạn (suy tim, loạn nhịp tim- đặc biệt là rung nhĩ…). Hiện điều trị bệnh COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh từ đó làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng.

Bệnh COPD là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được, nhưng không phải là điều trị được khỏi bệnh mà chỉ là điều trị cho bệnh nhân tăng cường chất lượng cuộc sống. BS.CK1 Phạm Văn Hoàng khuyến cáo: cách tốt nhất là không hút TL, tránh xa khói TL, khói bụi, tạo môi trường sống và làm việc trong lành; giữ gìn sức khỏe, giữ ấm vào mùa lạnh; tiêm vaccine phòng cúm, phòng phế cầu để ngăn ngừa đợt cấp; cải thiện tình trạng dinh dưỡng: ăn nhiều bữa nhỏ, đủ chất dinh dưỡng…

“Nếu có các biểu hiện: ho liên tục, thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng, tình trạng ho, khó thở nặng dần theo thời gian,... người dân nên đến bệnh viện sớm để được các bác sĩ thăm khám, phát hiện sớm COPD và điều trị kịp thời”- BS Phạm Văn Hoàng cho biết.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh, nguy cơ mắc các bệnh do sử dụng TL gây ra giảm đáng kể, bắt đầu từ khi ngừng hút TL. Với hầu hết những người bỏ TL sau 5 năm thì nguy cơ bị các bệnh giảm bằng so với những người không hút TL. Đối với trường hợp có vấn đề về đường hô hấp khi bỏ TL chức năng của phổi sẽ được cải thiện, giảm thiểu rủi ro mắc bệnh tim mạch, giúp ăn ngon miệng, cải thiện thị lực và trí nhớ... Khi bỏ được TL, người bỏ TL sẽ có sức khỏe tốt hơn và những người thân trong gia đình cũng sẽ khỏe mạnh do không bị hút TL thụ động. Vì môi trường sống an toàn, hãy từ bỏ TL, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh