Tác hại của hút thuốc lá thụ động

07:08, 31/08/2023

Khói thuốc lá (TL) rất nguy hiểm, là yếu tố nguy cơ cao của nhiều bệnh lý ở khắp các cơ quan trong cơ thể. Trong đó, có những bệnh lý khi đã mắc phải và bộc phát thì việc điều trị thường ít khi còn hiệu quả nữa. Ngày nay, các bằng chứng đã cho thấy không chỉ người hút bị những ảnh hưởng nguy hiểm từ khói TL, mà người hút TL thụ động cũng bị tương tự. Trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em.

 

Trong khi chờ đón xe ở sảnh tại sân bay, nhiều người bị hút thuốc lá thụ động từ những người hút thuốc lá.
Trong khi chờ đón xe ở sảnh tại sân bay, nhiều người bị hút thuốc lá thụ động từ những người hút thuốc lá.

Khói thuốc lá (TL) rất nguy hiểm, là yếu tố nguy cơ cao của nhiều bệnh lý ở khắp các cơ quan trong cơ thể. Trong đó, có những bệnh lý khi đã mắc phải và bộc phát thì việc điều trị thường ít khi còn hiệu quả nữa. Ngày nay, các bằng chứng đã cho thấy không chỉ người hút bị những ảnh hưởng nguy hiểm từ khói TL, mà người hút TL thụ động cũng bị tương tự. Trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em.

Vô tư phì phèo khói thuốc

Trên đường phố, các quán cà phê, bến xe, bến phà, nơi công sở thậm chí cả bệnh viện,… không khó để bắt gặp những người vô tư nhả khói TL truyền thống và TL điện tử. Người hút chủ động có nhiều lý do để phì phèo cả ngày. Song, những người bị hút TL thụ động, nhất là phụ nữ và trẻ em phải chịu đựng khói TL có thể gây nên nguy hại cho sức khỏe.

Ho, lấy tay quạt khói vì hít phải khói TL của nhóm người ngồi quán cà phê bàn bên cạnh, chị P.H.N. (TP Vĩnh Long) bức xúc: “Cuối tuần thích cảm giác cả nhà uống cà phê, ăn sáng tại các quán cà phê sân vườn để thư giãn mà ngồi có 20 phút phải chuyển bàn 3 lần vì ngồi cạnh những người hút TL”.

Chị N. thở dài: “Mỗi khi vô bàn là tôi đã quan sát chọn bàn vắng người. Nhưng ngồi tí là bàn kế bên có khách, tôi lại hồi hộp quan sát xem họ có móc gói TL ra hay không, riết mình nhìn cả túi áo, túi quần của họ luôn. Có hút là tôi dời bàn liền vì chịu không nổi khói TL. Dời hoài cũng bực nên đành chọn phòng máy lạnh ngồi để không bị hút thụ động”.

Tại khu vực sân BVĐK Vĩnh Long, hàng chục người nuôi bệnh, trong đó có cả bệnh nhân, bất chấp có biển cấm hút thuốc có tại đây vẫn phì phèo TL. Một số người cứ thấy cán bộ y tế hoặc nhân viên bảo vệ đi qua thì giấu TL vào lòng bàn tay, sau đó lại tiếp tục hút. Khi được hỏi tại sao bệnh viện có nhiều biển cấm mà vẫn hút ở nơi cấm, người đàn ông còn trẻ xuýt xoa: “Biết như vậy nhưng thèm quá chịu không được”.

Quan sát của phóng viên, tình hình hút TL cũng xảy ra tương tự tại một số cơ sở y tế khác như Bệnh viện Phổi tỉnh và các trung tâm y tế huyện dù tất cả các nơi đã có biển cấm hút thuốc ngay từ cổng.

Nhiều người ăn mặc rất lịch sự chỉnh tề nhưng vẫn tỉnh bơ hút thuốc trước các biển cấm. Đa số người hút thuốc khi bị bảo vệ nhắc nhở đều tự giác đi ra ngoài hút hoặc tắt thuốc. Tuy nhiên cũng không ít người phản ứng lại.

Gánh bệnh tật từ… khói thuốc lá thụ động

Việt Nam có hơn 17 triệu người hút TL với trên 40.000 người tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến khói TL. Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có gần 6.000 người chết vì các bệnh liên quan đến hút TL thụ động. Đây là cái chết oan tức của những người không hút bởi họ phải chịu hậu quả do những người hút thuốc trực tiếp gây ra cho họ.

Chị V.T.V. bức xúc: “Dì mình sống rất lành mạnh, TDTT mỗi ngày, đồ ăn thức uống cũng lựa chọn hàng chất lượng, được kiểm định rõ ràng, nhưng mà dượng mình lại hút thuốc rất nhiều. Cuối cùng, dì lại là người bị ung thư phổi, và mất sau 1 năm phát hiện bệnh”.

Theo BS.CK1 Trần Văn Tiền- Phó Giám đốc Sở Y tế, hút TL thụ động là hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng ngàn hóa chất, trong đó ít nhất có 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Hút TL thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em, trong đó có cả ung thư.

Ở người lớn, hút TL thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân.

Ở trẻ em, hút TL thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi, làm suy yếu khả năng học hỏi của trẻ và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Thực hiện môi trường không khói TL là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Vì thế, rất mong, những người đang hút thuốc hãy suy nghĩ bỏ TL vì trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, hoặc có hút thuốc thì hãy nâng cao ý thức: quan sát kỹ, tìm vị trí phù hợp trước khi hút- tránh gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Còn những người không hút thì chủ động, mạnh dạn bày tỏ ý kiến đối với người hút thuốc vi phạm quy định, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác.

Theo nghiên cứu của WHO, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Theo đó, lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu thuốc một ngày. Trẻ em chỉ cần 1 giờ trong phòng có người hút thuốc có thể hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc 1 ngày. Khói thuốc gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh