Bệnh tay chân miệng (TCM) là một trong những bệnh thường xuất hiện nhiều nhất ở môi trường học đường, đặc biệt là bậc mầm non. Do đó, công tác phòng ngừa bệnh TCM được các trường mầm non trên địa bàn Vĩnh Long đặc biệt chú trọng.
(VLO) Bệnh tay chân miệng (TCM) là một trong những bệnh thường xuất hiện nhiều nhất ở môi trường học đường, đặc biệt là bậc mầm non. Do đó, công tác phòng ngừa bệnh TCM được các trường mầm non trên địa bàn Vĩnh Long đặc biệt chú trọng.
Bệnh dễ lây lan trong trường học
Trước tình hình bệnh TCM đang gia tăng nhanh hiện nay, các trường mầm non, mẫu giáo càng chú trọng vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Theo Hiệu trưởng Võ Thị Hồng Phơi- Trường Mầm non thực hành Măng Non (phường 9, TP Vĩnh Long), ngoài việc tổ chức tổng dọn vệ sinh thường xuyên, dùng dung dịch Cloramin B lau chùi, cọ rửa sàn nhà lớp học, bàn ghế, đồ chơi của trẻ.
Khi phát hiện dấu hiệu khả nghi triệu chứng bệnh TCM thì yêu cầu phụ huynh đưa trẻ về khám, điều trị ngay. Trẻ khi đến lớp cũng được các cô giáo kiểm tra kỹ lòng bàn tay chân để kịp thời phát hiện trẻ mắc bệnh. Với khâu vệ sinh bàn tay, các bé được giáo viên hướng dẫn kỹ.
Biện pháp phòng bệnh trong các trường mầm non hiện tại vẫn là khử khuẩn, vệ sinh trường lớp thường xuyên. |
Đây cũng là biện pháp quan trọng để phòng bệnh. “Đối với trẻ, giáo viên nhắc nhở các bé thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà bông hàng ngày”- cô Hồng Phơi cho biết.
Cô Dương Thị Phương Lan- Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Huỳnh Kim Phụng cho biết: “Đề phòng bệnh TCM trong trường học, nhà trường chỉ đạo giáo viên thường xuyên cho trẻ rửa tay bằng xà bông, rửa nhiều lần trong ngày. Khẩu phần ăn của trẻ nhà trường bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là cho trẻ uống thêm nước cam nước chanh tăng sức đề kháng cho trẻ. Ở trên lớp, các cô theo dõi sức khỏe trẻ hàng ngày, đặc biệt là những trẻ có biểu hiện bị sốt, có nổi mụn nước ở miệng, tay, chân, mông để có biện pháp xử lý kịp thời”. |
Tại trường mầm non Huỳnh Kim Phụng (Phường 1, TP Vĩnh Long), mặc dù còn đang thời điểm nghỉ hè, trẻ theo học chỉ bằng 50% số trẻ của trường khi vào năm học nhưng các biện pháp phòng bệnh bảo vệ sức khỏe cho trẻ luôn được nhà trường chú trọng.
Mỗi giáo viên, bảo mẫu phụ trách lớp vừa dạy, vừa chăm sóc trẻ và đặc biệt quan tâm theo dõi sức khỏe của trẻ trong quá trình trẻ đến lớp.
Cô Đoàn Thị Thu Oanh cho biết: “Giờ đón trẻ, giáo viên cũng có trao đổi với phụ huynh về sức khỏe của trẻ ở nhà như thế nào.
Khi vào lớp, cô kiểm TCM các bé xem có biểu hiện bệnh TCM hay không và thường xuyên rửa đồ chơi, lau kệ lau lớp bằng Cloramin B để phòng bệnh TCM”.
Xác định nguy cơ mắc và lây truyền bệnh rất cao trong trường học, các trường mầm non, mẫu giáo trong tỉnh luôn chú trọng thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, đặc biệt là vệ sinh cá nhân, đồ dùng đồ chơi của trẻ.
Vì đây là biện pháp được đánh giá cao trong việc ngăn chặn mầm bệnh tại những nơi tập trung đông trẻ, đối tượng chủ yếu bệnh TCM tấn công.
Giữ sức khỏe cho con đi nhà trẻ
Theo ngành y tế, bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ 3-5 tuổi, tiềm ẩn rủi ro biến chứng. Hiện trên địa bàn tỉnh bệnh đã tăng cao về số ca mắc.
Cho trẻ rửa tay sạch sẽ, đúng cách là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. |
Trong đó, bệnh tập trung chủ yếu là trẻ ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo với gần 600 trường hợp mắc bệnh. Bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng và dịch của các bóng nước bị vỡ.
Khi mắc bệnh nếu không được điều trị kịp thời thì nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng rất cao.
Để khống chế bệnh TCM trong trường mầm non phải có sự phối hợp chặt chẽ từ ngành y tế, giáo dục và cả phụ huynh trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, tình hình bệnh TCM gia tăng. Đặc biệt năm nay xuất hiện chủng virus EV71, đối với TCM EV71 có nhiều biến chứng nặng hơn so với các tuýp khác. “Trẻ mắc bệnh TCM quan trọng nhất là kịp thời phát hiện các triệu chứng.
Bởi trẻ có thể đột ngột chuyển nặng, suy hô hấp, nguy kịch chỉ trong vài giờ. Do đó, khi nghi ngờ trẻ bị TCM, cha mẹ nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất để xác định bệnh, theo dõi sát tình hình”- BS Chí Công khuyến cáo.
Đặc biệt, cha mẹ cũng cần quan tâm, để ý đến con nhiều hơn. Mỗi lần con đi học, đi nhà trẻ về phụ huynh cần kiểm tra tay chân, nhiệt độ cơ thể để nếu con mắc bệnh thì có thể phát hiện sớm nhất. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tăng sức đề kháng cho trẻ.
Người lớn cũng phải vệ sinh tay, tắm rửa sạch sẽ khi đi làm về để không vô tình mang virus gây bệnh lây cho trẻ. Đặc biệt là không đưa trẻ đến trường trong thời gian mắc bệnh và cách ly trẻ TCM với trẻ khác khoảng 10 ngày.
BS.CK2 Trần Chí Công khuyến cáo các dấu hiệu nặng cần nhập viện ngay để cấp cứu kịp thời gồm: sốt cao khó hạ, sốt trên 39 độ, sốt hơn 2 ngày; trẻ giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, yếu chi; nôn ói nhiều; lừ đừ, lơ mơ; thở nhanh, thở bất thường; tay chân lạnh, vã mồ hôi, da nổi bông tím. Trẻ nhỏ thường quấy khóc, giật mình, không thể rời xa mẹ… |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin