Nguy cơ đột quỵ cao do hút thuốc lá

10:08, 29/08/2023

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau bệnh tim mạch và để lại di chứng nặng nề. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong 20%. Đáng lưu ý, bệnh có xu hướng tăng ở những người trẻ, và trong số đó có rất nhiều bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá (TL).

 

Hiện nay, tình trạng đột quỵ ở giới trẻ đang gia tăng một cách báo động.
Hiện nay, tình trạng đột quỵ ở giới trẻ đang gia tăng một cách báo động.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau bệnh tim mạch và để lại di chứng nặng nề. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong 20%. Đáng lưu ý, bệnh có xu hướng tăng ở những người trẻ, và trong số đó có rất nhiều bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá (TL).

Đột quỵ do nghiện… thuốc lá

Bệnh nhân (BN) N.C.B. (47 tuổi, TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) bất ngờ té, méo miệng sau khi thức dậy. Ngay sau đó, BN được người nhà nhanh chóng đưa vào cấp cứu tại BVĐK Vĩnh Long trong tình trạng liệt nửa người, đột ngột khó nói và đi đứng mất thăng bằng.

Qua thăm khám, xác định BN bị đột quỵ não được hơn 1 giờ nên các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch- Lão khoa nhanh chóng tiến hành kỹ thuật tiêu sợi huyết. Nhờ thực hiện kịp thời kỹ thuật tiêu sợi huyết nên BN được hồi phục dần. “Tui hút TL cũng gần 20 năm, trước hút ngày trên 1 gói. 2-3 năm nay, vợ nhằn quá tui bớt còn nửa gói. Nhờ cấp cứu kịp thời, tui mới sống khỏe được, tui sẽ quyết tâm bỏ được TL, không hút nữa”- anh B. cho hay.

Vừa qua, BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã can thiệp đặt stent thành công để tái thông mạch máu đang tắc cho trường hợp đột quỵ nhồi máu não, có tiền sử hút TL 30 năm.

Theo BN T.L.N. (55 tuổi), trước giờ không bệnh tật gì, ông chỉ có thói quen hút TL trung bình mỗi ngày một gói, khoảng 30 năm nay, nên khi cơn đột quỵ đến ông cũng không nghĩ bản thân bị đột quỵ.

TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, trong đó ĐBSCL chiếm khoảng 15.000-20.000 người nhưng để số BN đến được bệnh viện trong giờ vàng chưa đến 3%, đây là một con số rất đau lòng. Bởi đối với BN đột quỵ thời gian chính là não, việc BN đến càng trễ thì khả năng cứu sống càng thấp, di chứng để lại càng nhiều và tỷ lệ tử vong sẽ càng cao.

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Trong số các trường hợp đột quỵ trẻ dưới 40 tuổi thì 80% là nam giới và 100% là có hút TL hơn 1 gói/ngày, uống rượu bia 5, 6 ngày/tuần. Đây là thói quen sinh hoạt rất xấu ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng người trẻ chủ quan.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, rất nhiều trường hợp đột quỵ dưới tuổi 40, phần lớn đều liên quan tới lối sống, thói quen sinh hoạt, một số do dị dạng mạch máu bẩm sinh. Một yếu tố nguy cơ đột quỵ đã được giới khoa học thế giới chứng minh đó là hút TL. TL không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, TL gây đột quỵ còn kinh khủng hơn. Bởi việc hút TL có thể khiến mạch máu bị tắc nghẽn, xơ chai và hình thành cục máu đông dễ dàng.

“Phần lớn những trường hợp đột quỵ trẻ là do lối sống sinh hoạt không lành mạnh, chẳng hạn như thường xuyên căng thẳng, stress, uống rượu bia, đặc biệt là hút TL. Đối với những người hút TL, chỗ nào có mạch máu thì chỗ đó sẽ bị viêm, ví dụ như mạch vành, mạch máu chi, mạch máu toàn cơ thể nói chung. Do đó, nếu hút TL càng nhiều, chỗ nào có mạch máu thì chỗ đó đều có thể bị xơ cứng”- TS.BS Chí Cường nhấn mạnh. Ngoài ra, tăng huyết áp ở người trẻ cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Để giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ, TS.BS Trần Chí Cường khuyên mọi người hình thành lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục; tránh xa các loại chất kích thích như rượu bia, TL,... Tạo chế độ ăn hợp lý và có lợi cho sức khỏe như tăng cường việc ăn rau xanh, hạn chế các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ; tránh tình trạng áp lực, căng thẳng từ công việc. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng ngừa và được điều trị sớm nhất có thể.

“Nếu lo lắng về nguy cơ đột quỵ, người trẻ chỉ cần tự hỏi bản thân những câu hỏi như: Một ngày đi bộ bao nhiêu bước, vận động mất bao nhiêu thời gian? Có ngủ đủ giấc, ăn đủ chất hay không? Mỗi tuần uống bia rượu bao nhiêu lần, mỗi lần uống bao nhiêu rượu bia? Có quan tâm tới huyết áp của mình không? Có kiểm tra khi thấy bất thường không?... Có một lối sống sinh hoạt khoa học, lành mạnh là cách để phòng ngừa đột quỵ tốt nhất”- TS.BS Trần Chí Cường trăn trở.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh