Cảnh giác với hóc dị vật

01:08, 04/08/2023

Nguy cơ mắc, nuốt dị vật có thể gặp ở bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Một số dị vật được đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa. Một số gây nguy hiểm, cần phải đến bệnh viện cấp cứu ngay.

 

  Bác sĩ BVĐK Vĩnh Long nội soi can thiệp gắp dị vật đường tiêu hóa cho bệnh nhân B.T.P..
Bác sĩ BVĐK Vĩnh Long nội soi can thiệp gắp dị vật đường tiêu hóa cho bệnh nhân B.T.P..

Nguy cơ mắc, nuốt dị vật có thể gặp ở bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Một số dị vật được đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa. Một số gây nguy hiểm, cần phải đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Nhiều trường hợp nhập viện do nuốt dị vật

Theo các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Vĩnh Long, thời gian qua khoa nội soi lấy dị vật ở cổ cho nhiều bệnh nhân (BN) đều nuốt cùng một loại dị vật.

Đơn cử, BN C.M.T. (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) nhập viện trong tình trạng nghẹn vùng cổ, rất khó chịu do vừa nuốt phải khối nhựa tròn được cho là ngậm điều trị bệnh nhức răng. Qua phim chụp X quang, các bác sĩ phát hiện dị vật cản ngang đốt sống cổ thứ 6, 7 và được chỉ định nội soi can thiệp gắp dị vật ra khỏi cơ thể. Dị vật mà người bệnh nuốt phải là một khối nhựa hình tròn đường kính khoảng 4cm, nên rất khó gắp ra. Các bác sĩ phải rất khéo léo mới gắp được dị vật ra khỏi đường tiêu hóa, không để dị vật đi sâu vào cơ thể.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên đưa vật lạ vào miệng để điều trị đau nhức vì không có chứng cứ khoa học. Các vật này có thể kẹt tại đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp (đường thở). Nguy hiểm nhất là dị vật đường thở có thể gây ngừng thở, ngừng tim nếu không được phát hiện, xử lý cấp cứu kịp thời.

Mới đây, BVĐK Vĩnh Long tiếp nhận BN B.T.P. (24 tuổi) đến cấp cứu do đau bụng. Sau khi thăm khám, khai thác về quá trình bệnh lý và tiền sử bệnh, mẹ BN khai trước đây BN đã từng 2 lần nuốt dị vật (1 lần là ống hút cứng dài khoảng 20cm và 1 lần là 2 viên kẹo còn nguyên vỏ) vào đường tiêu hóa.

Do đó, lần nhập viện này các bác sĩ cũng nghi ngờ BN nuốt dị vật và được tiến hành nội soi can thiệp, gắp ra dị vật là ống hút nhựa dài khoảng 12cm tại dạ dày BN. Sau đó BN hoàn toàn ổn định. Theo thông tin từ thân nhân người bệnh cung cấp, do trạng thái tinh thần BN không ổn định nên thường xuyên nuốt những vật thể lạ.

Dị vật ở dạ dày, đại tràng thường gây đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn. Đặc biệt, nếu mắc dị vật ở những vị trí nguy hiểm như đoạn ngang mức cung động mạch chủ, gây chảy máu, dị vật để lâu gây áp xe, thủng hay rò sang khí quản. Dị vật còn có thể đâm thủng ống tiêu hóa, áp xe hay viêm phúc mạc. Một số trường hợp như nuốt pin, nhiệt kế, ma túy… còn có thể gây ngộ độc.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, khi nghi hóc dị vật BN không nên tự lấy dị vật, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và lựa chọn phương pháp lấy dị vật an toàn.

Xử lý nuốt dị vật

Cụ ông H.V.H. (85 tuổi, Vĩnh Long) được các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp BVĐK Trung ương Cần Thơ phẫu thuật thành công do bị tắc ruột vì nuốt 2 trái chà là.

Cụ ông có thói quen ăn trái chà là (đã ăn nhiều lần), gia đình không biết BN nuốt trái chà là nguyên vỏ từ lúc nào, chỉ biết BN có tình trạng khó tiêu, đau bụng. Trước ngày nhập viện, BN nôn ói dịch màu đen lợn cợn nên đưa đến BVĐK Trung ương Cần Thơ điều trị. Tiền sử BN bị đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hội chẩn trước phẫu thuật tắc ruột chưa rõ nguyên nhân.

Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp đã quyết định phẫu thuật thám sát, xử trí tổn thương, lòng hỗng tràng có 2 dị vật gây tắc ruột hoàn toàn, ê kíp lấy ra 2 dị vật dạng trái cây (chà là) kích thước 4x2cm, khâu lại ruột, dẫn lưu theo dõi. Sau phẫu thuật, BN phục hồi tốt.

Theo BS.CK2 Bùi Phi Hùng, khi nuốt phải hoặc hóc dị vật người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật “trôi” xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến vấn đề trở nên phức tạp thêm. Khi nuốt phải hoặc hóc dị vật cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí lấy dị vật kịp thời, tránh nguy hiểm tính mạng.

Các bác sĩ cho biết dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến trong quá trình ăn uống chủ yếu gặp ở người cao tuổi và trẻ em. Trong đó khoảng 20% các dị vật sẽ mắc lại ống tiêu hóa trên, bác sĩ xử trí bằng việc gắp qua nội soi. Gần 80% trường hợp còn lại, hầu hết dị vật tự thoát và đào thải an toàn khỏi ruột.

Tuy nhiên, khoảng 1% trong số các trường hợp dị vật dù đã di chuyển qua được môn vị dạ dày gây ra các biến chứng nguy hiểm như thủng ruột (do các dị vật sắc nhọn), tắc ruột (dị vật có kích thước lớn), khối áp xe trong ổ bụng (dị vật xuyên qua thành ruột và di chuyển vào trong khoang phúc mạc), thậm chí tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Khi nuốt phải hoặc hóc dị vật cần đến cơ sở y tế ngay để được xử trí lấy dị vật càng sớm càng tốt.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh