Bệnh sốt xuất huyết vào mùa

07:08, 15/08/2023

Dù số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) được ghi nhận trong tỉnh Vĩnh Long giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng qua hệ thống giám sát ca bệnh của ngành y tế số ca mắc SXH nặng chiếm tỷ lệ khá cao.

Mỗi gia đình cùng chung tay chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi.
Mỗi gia đình cùng chung tay chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi.
Dù số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) được ghi nhận trong tỉnh Vĩnh Long giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng qua hệ thống giám sát ca bệnh của ngành y tế số ca mắc SXH nặng chiếm tỷ lệ khá cao.
 
Với thời tiết mưa nhiều như hiện nay là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn, ngành chuyên môn dự báo số ca mắc sẽ tăng cao trong thời gian tới nếu không có sự chủ động phòng bệnh từ cộng đồng.
 
Bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh khác
 
Tại Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long có 3 ca mắc SXH đang nhập viện điều trị thì 2 ca có dấu hiệu cảnh báo, nguy cơ vô sốc cao phải điều trị tích cực tại phòng bệnh nặng. Theo các bác sĩ điều trị mặc dù người nhà đưa trẻ đến bệnh viện điều trị không trễ nhưng do bệnh SXH diễn tiến khó lường nên bệnh chuyển nặng rất nhanh.
 
Chăm sóc con bị SXH trong tình trạng nặng, chị T.T.H. (TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Con tôi sốt, mua thuốc uống không hạ nên vô bệnh viện bác sĩ chẩn đoán SXH. Con nhập viện ngày thứ 4 của bệnh với các biểu hiện đau bụng, sốt từng cơn, kèm nôn nhiều lần, ăn uống kém”.
 
Theo các bác sĩ, bệnh SXH thường có các triệu chứng đa dạng giống với các bệnh khác như tay chân miệng, sốt rét, sốt siêu vi, sốt phát ban... Ngay cả khi trẻ đã từng mắc SXH rồi vẫn có khả năng mắc thêm các lần sau.
 
“Đặc điểm nhận biết bệnh SXH là sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì). Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 với biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống… phải đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời, tránh để quá muộn sẽ diễn tiến nặng và tổn thương các cơ quan. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc, truyền dịch điều trị cho trẻ tại nhà”- BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, khuyến cáo.
 
Trong thực tế, bệnh SXH thường xuất hiện ở trẻ em. Song gần đây, số ca mắc bệnh là người lớn tăng khá rõ với tỷ lệ chiếm hơn 40% trong tổng số ca mắc SXH. Điều đáng quan tâm là đa số người lớn mang tâm lý chủ quan không nghĩ mắc bệnh SXH, thường tự mua thuốc điều trị và đến cơ sở y tế trễ nên tỷ lệ bệnh nặng cao và gây khó trong điều trị. 
 
Theo BS.CK2 Lê Thị Thu Trang- Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp- BVĐK Vĩnh Long, virus gây bệnh SXH có nhiều tuýp nên một người có thể mắc bệnh SXH nhiều lần không kể người lớn hay trẻ nhỏ. Bệnh SXH cũng có thể gây các biến chứng nhanh ảnh hưởng đến tính mạng như xuất huyết, suy đa tạng, sốc, viêm cơ tim,…
 
“Mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột cần vào viện khám ngay, vì bệnh SXH có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng nên cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và điều trị thích hợp. Đặc biệt, đối với người mắc nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch hoặc phụ nữ mang thai mắc SXH thường diễn biến nặng hơn, nhiều biến chứng như có thể sinh non, con nhẹ cân, xuất huyết khi sinh và sau sinh”- BS Thu Trang  khuyến cáo.
 
Phòng bệnh tích cực
 
Theo ngành y tế, tính đến hết tuần đầu của tháng 8 Vĩnh Long ghi nhận trên 830 trường hợp mắc SXH giảm hơn 700 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Song, số trường hợp bệnh nặng tăng so với cùng kỳ và đã ghi nhận 21 ca bệnh nặng. Bệnh xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh nên nguồn lây trong cộng đồng vẫn cao và dự báo tình hình bệnh SXH sẽ tăng trở lại do thời tiết đang vào mùa mưa làm tăng mật độ quần thể muỗi truyền bệnh.
 
Số ca mắc và ổ dịch SXH vẫn tập trung vào các địa phương có dịch lưu hành cao hàng năm, mật độ dân cư đông, nhiều khu công nghiệp, trường học, như tại huyện Long Hồ, huyện Tam Bình, huyện Trà Ôn và TP Vĩnh Long. Dù ngành y tế các địa phương thường xuyên tuyên truyền nhưng một bộ phận người dân chưa chủ động phòng bệnh nên số ổ dịch phát sinh còn nhiều.
 
Số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn gia tăng nhưng người dân còn tâm lý chủ quan, thời gian phát hiện bệnh trễ dẫn đến bệnh diễn tiến nặng.
Số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn gia tăng nhưng người dân còn tâm lý chủ quan, thời gian phát hiện bệnh trễ dẫn đến bệnh diễn tiến nặng.
Theo ThS.BS Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, để khống chế hiệu quả bệnh SXH là diệt muỗi, lăng quăng, các địa phương đã và đang tiếp tục triển khai chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh tại các xã, phường có số ca mắc SXH cao và có nguy cơ bùng phát dịch. Song, để hạn chế số ca mắc rất cần sự chung tay phòng bệnh từ cộng đồng. 
 
“Đến nay bệnh SXH vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc đặc trị, bệnh lây truyền qua vật trung gian là muỗi vằn và nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao. Người dân cần chủ động dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, diệt muỗi, lăng quăng và phòng muỗi đốt, để góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trước căn bệnh nguy hiểm này”- BS Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo.
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, trước thực trạng diễn biến phức tạp của bệnh SXH, ngành y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan tập trung triển khai nhiều giải pháp chủ động phòng, chống bệnh. Cụ thể, tăng cường công tác giám sát, xử lý ổ dịch SXH theo quy định của Bộ Y tế; đánh giá các chỉ số tại các địa bàn có nguy cơ cao và các ổ dịch cũ để tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất, chủ động phòng, chống SXH; ý thức của người dân để cùng chung tay, góp sức thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh. Trong công tác điều trị, nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm cung cấp đủ, kịp thời thiết bị và thuốc trong điều trị bệnh; tập huấn, cập nhật kiến thức, phác đồ điều trị SXH cho đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là y tế cơ sở để nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế số ca chuyển nặng.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh