Mang thai sau tuổi 35- nhiều nỗi lo sức khỏe

01:07, 14/07/2023

Xu hướng xã hội hiện nay, phụ nữ sinh con muộn ngày càng nhiều. Qua các nghiên cứu về xã hội và y học cho thấy, việc phụ nữ sinh con khi đã lớn tuổi (sau tuổi 35) thường phát sinh các hệ lụy đáng lo ngại về sức khỏe cho cả mẹ và con.

BS.CK2 Trần Mỹ Dung khám cho sản phụ bị tiền sản giật đang điều trị tại Khoa Sản.
BS.CK2 Trần Mỹ Dung khám cho sản phụ bị tiền sản giật đang điều trị tại Khoa Sản.

(VLO) Xu hướng xã hội hiện nay, phụ nữ sinh con muộn ngày càng nhiều. Qua các nghiên cứu về xã hội và y học cho thấy, việc phụ nữ sinh con khi đã lớn tuổi (sau tuổi 35) thường phát sinh các hệ lụy đáng lo ngại về sức khỏe cho cả mẹ và con.

Đừng lơ là tuổi mang thai

Áp lực công việc, theo đuổi sự nghiệp khiến nhiều phụ nữ kết hôn và sinh con muộn, nhưng sau tuổi 35, chức năng sinh sản nữ giới bị ảnh hưởng khá nhiều.

Nhập viện điều trị tiền sản giật ở tuần thai 32 tại Khoa Sản BVĐK Vĩnh Long, chị N.C.N. (37 tuổi, ở TT Long Hồ) lo lắng: “Hôm trước chị bị chóng mặt, nhức đầu quá, thai lại gò nữa nên vô bệnh viện khám thì bác sĩ nói bị tiền sản giật cho nhập viện điều trị luôn, huyết áp lên gần 17.

Nằm điều trị gần tuần huyết áp ổn định rồi, bớt nhức đầu. Con đầu chị 8 tuổi, lần mang thai lần 2 này chị thấy uể oải, sức khỏe giảm nhiều quá”.

Ghi nhận tại BVĐK Vĩnh Long cho thấy thực trạng sinh con khi đã lớn tuổi và những ảnh hưởng về sức khỏe của mẹ và bé là không hiếm gặp.

Chị B.T.T.L. (40 tuổi, ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình) kể lại nỗi ám ảnh khi cuối thai kỳ bị tiền sản giật, nguy hiểm đến tính mạng.

May mắn được cấp cứu kịp thời, song sức khỏe của chị sa sút. Con trai sinh non ở tuần 34, nhẹ cân, phải nằm phòng hồi sức nhi.

Không ít trường hợp sản phụ gần đây may mắn được các bác sĩ cứu sống khi mang thai ở tuổi tứ tuần vì mắc các bệnh lý như: nhau cài răng lược, vỡ tử cung...

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu thành công cho một sản phụ mang thai ở tuổi 45 bị ngưng tim vì mắc hội chứng nhau cài răng lược.

Các bác sĩ cảnh báo nhiều phụ nữ lớn tuổi nhưng có thai lại không biết dẫn đến không thăm khám và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Điều tra của Tổng cục Thống kê về biến động dân số, xu hướng kết hôn tại Việt Nam cho thấy, xu hướng kết hôn muộn và sinh con muộn đang là thực trạng phổ biến ở nước ta, nhất là tại các đô thị lớn, thậm chí không ít trường hợp kết hôn và sinh con khi đã gần 40 tuổi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới xu hướng này, trong đó, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội thì con người ngày càng dành nhiều thời gian của bản thân để học tập, lao động, cống hiến cho công việc nhằm có vị trí trong xã hội.

Ngoài ra còn có áp lực về thu nhập, chi phí sinh hoạt, chăm lo cho gia đình nên không ít cặp vợ chồng ngại sinh con, trì hoãn thời gian sinh đẻ, hoặc lập gia đình muộn.

Theo dõi chặt quá trình mang thai

BS.CK2 Trần Mỹ Dung- Phó Khoa Sản BVĐK Vĩnh Long, cho biết, sau 35 tuổi, khả năng sinh sản, sự cân bằng nội tiết tố, chất lượng trứng, của phụ nữ bắt đầu giảm dần, sức khỏe cũng có dấu hiệu suy giảm.

Do đó, nếu có thai ở độ tuổi này người mẹ dễ mắc các hội chứng như loãng xương, tiểu đường, cholesterol cao, tim mạch, sẩy thai, sinh non, cao huyết áp dẫn đến sản giật, sinh khó...

Còn đối với thai nhi sẽ có nguy cơ tử vong, nhẹ cân, rối loạn nhiễm sắc thể (hội chứng down, rối loạn chuyển hóa, chậm phát triển trí tuệ, dị tật...).

“Vì những nguy cơ đó, các bác sĩ chuyên khoa đều khuyến cáo phụ nữ không nên sinh con quá muộn. Song, trong những năm gần đây, sản phụ trên 35 tuổi có chiều hướng gia tăng”- BS Mỹ Dung nói.

Nhiều nguy cơ nói trên vẫn có thể phòng ngừa được. Quan trọng là thai phụ phải có sức khỏe tốt, được chăm sóc sức khỏe sinh sản sớm và có nếp sinh hoạt lành mạnh, khoa học.

Để có cơ hội sinh con mạnh khỏe, phụ nữ cần khám tiền sản trước khi mang thai. Thai phụ trên 35 tuổi sẽ phải tuân theo quy trình khám thai kỹ lưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ.

“Điều này nhằm phát hiện được những bất thường của thai nhi ở giai đoạn sớm để có thể tầm soát, tính được biến cố của thai kỳ. Các bác sĩ có thể dựa vào các yếu tố như bệnh lý nền, các thông số đo được khi khám thai để kịp thời có phương án điều trị”- BS Mỹ Dung cho biết.

Đối với nam giới, dù khả năng sinh sản sẽ kéo dài hơn so với nữ giới nhưng tinh trùng ở nam giới lớn tuổi thường có nhiều bất thường về gien hơn ở nam giới trẻ tuổi và khả năng thụ thai cho trứng cũng sẽ giảm đáng kể. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo nam giới hãy lựa chọn có con khi còn trẻ, tốt nhất là trước tuổi 45.

Theo Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, ngành tăng cường công tác tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản để người dân nhận thức được hậu quả của việc sinh con khi lớn tuổi. Đặc biệt, những phụ nữ lớn tuổi không nên chủ quan trong việc phòng tránh thai, khi có các dấu hiệu bất thường sức khỏe nên thăm khám sớm để có hướng điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh