Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

05:07, 13/07/2023

Theo ngành y tế Vĩnh Long, tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng với nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị. Ngành chuyên môn khuyến cáo, trước thực tế gia tăng những ca mắc TCM do chủng Enterovirus 71 (EV71) dễ gây biến chứng, việc sớm phát hiện bệnh, kịp thời điều trị là hết sức quan trọng.

Thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tại Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long.
Thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tại Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long.

(VLO) Theo ngành y tế Vĩnh Long, tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng với nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị. Ngành chuyên môn khuyến cáo, trước thực tế gia tăng những ca mắc TCM do chủng Enterovirus 71 (EV71) dễ gây biến chứng, việc sớm phát hiện bệnh, kịp thời điều trị là hết sức quan trọng.

Cảnh giác với chủng virus EV71

Bệnh TCM hiện đang có xu hướng gia tăng, nhất là tại các tỉnh phía Nam, trong đó có Vĩnh Long.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh gần đây tiếp nhận các ca bệnh TCM tăng.

Nguyên nhân do sự gia tăng bệnh TCM trong thời điểm hiện nay có thể là do sự xuất hiện của EV71 với đặc tính lây lan nhanh, sự biến đổi khí hậu (thời tiết nóng hơn) và sự chủ quan của người lớn khi chăm sóc, vệ sinh trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh cần chú ý quan tâm đến sức khỏe trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

Tại Vĩnh Long, từ giữa tháng 6 đến nay, mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận trên 30 trường hợp mắc TCM, tăng khoảng 40% so với các tuần trước, trong đó có nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, nâng số trường hợp mắc bệnh từ đầu năm đến nay lên trên 310 trường hợp.

Thời gian gần đây, các bác sĩ Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long ghi nhận một số trường hợp bệnh nhi mắc TCM đến khám và điều trị, chủ yếu ở mức độ 1 và 2a với các biểu hiện như xuất hiện vết tổn thương da vùng chân, tay và miệng, sốt cao trên 390C, giật mình, ói, quấy khóc.

Song, cũng có một số trẻ lại không có biểu hiện bên ngoài, gây khó khăn cho việc phát hiện và chẩn đoán.

Khi thấy con trai hay quấy khóc, lúc ngủ thường bị giật mình, chị Đinh Thị Khánh Phương (xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) không hiểu nguyên nhân vì sao. Kiểm tra khắp người con, chị thấy dưới bàn chân của con có hai mụn nước rất nhỏ.

Đưa con đến Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long khám, chị rất bất ngờ khi được bác sĩ thông báo bé mắc TCM độ 2, phải nhập viện ngay để theo dõi và điều trị. Bởi bé gần 3 tuổi, chưa đi nhà trẻ nên chị Phương cũng không rõ nguồn lây bệnh.

Sau khi nhập viện, bệnh tình của con chị Phương tiếp tục diễn tiến nặng hơn, sốt gần 40 độ, hay giật mình khi ngủ. Được các bác sĩ theo dõi, điều trị tích cực, đến ngày thứ ba bé mới hạ sốt, sức khỏe dần được cải thiện và được xuất viện sau 5 ngày điều trị.

Đưa con gái 4 tuổi đi khám khi bé sốt liên tục 3 ngày, có khi đo trên 390C, anh Hà Văn Kiệt (Phường 8, TP Vĩnh Long) lúng túng khi bác sĩ chỉ định cho con anh nhập viện do TCM. “Tui thấy con sốt, nhưng con vẫn đi đứng, vui chơi, tính khám lấy thuốc rồi về.

Khi khám, bác sĩ phát hiện miệng con có vết loét, trong khi bé đã sốt cao liên tục 3 ngày, bệnh TCM chuyển nặng rất nhanh, nên cần nhập viện theo dõi kỹ để phòng biến chứng nặng”- anh Kiệt cho biết.

Tuyệt đối không chủ quan

Từ đầu năm 2023 đến nay, Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long đã tiếp nhận điều trị trên 90 ca mắc bệnh TCM, trong đó có 20% ca mắc mức độ nặng.

Riêng trong tuần qua (từ ngày 2-9/7) có 20 trẻ nhập viện điều trị, đa số từ độ 2a, một phần ba trẻ diễn tiến nặng với độ 2b, 3. Một số trẻ được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, giật mình liên tục…

Chị Nguyễn Trúc Ly (xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) ngồi quạt mát cho con trai hơn 3 tuổi đã 2 lần nhập viện vì bệnh TCM. Chị chia sẻ: “Hồi tháng 3, con tôi đã mắc TCM nên khi con nóng tui hổng nghĩ con bị bệnh này mà nghi sốt xuất huyết vì kiểm tra tay chân chỉ có nổi 1 bóng nước, tui tưởng do muỗi chích. Nhưng cũng đi bệnh viện tỉnh khám cho chắc thì bác sĩ nói con bị TCM, cần nằm viện điều trị”.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng, một điều đáng lo ngại hiện nay là nguồn thuốc điều trị TCM nặng đang khan hiếm tại các bệnh viện trên toàn quốc, trong đó có BVĐK Vĩnh Long.

Ngành y tế vừa có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị TCM, nhất là thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch giúp giảm tỷ lệ chuyển độ nặng cũng như giảm tỷ lệ biến chứng nặng của bệnh.

“Trước tình hình bệnh TCM đang gia tăng, quan trọng hơn công tác điều trị là đơn vị kiểm soát dịch cần dự báo, đánh giá tình hình dịch bệnh TCM đúng và phụ huynh phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để kịp thời đưa trẻ nhập viện điều trị.

Chỉ có phát hiện sớm, cách ly sớm, luôn chú trọng vệ sinh, rửa tay thật sạch thường xuyên mới giảm được bệnh TCM”- Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Theo BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, nếu cha mẹ phát hiện biến chứng kịp thời ở trẻ bị TCM cũng giúp ích nhiều trong cấp cứu, điều trị cho trẻ.

Khoảng 60-70% trẻ mắc bệnh TCM nhẹ chỉ xuất hiện hồng ban ở lòng bàn tay, chân nhưng không sốt có thể chăm sóc tại nhà và tái khám mỗi ngày tại cơ sở y tế.

Nếu bé sốt cao liên tục 39-400C, giật mình chới với, ói nhiều, lừ đừ, trẻ đi đứng loạng choạng; trẻ đảo mắt bất thường; quấy khóc (dỗ không nín); co giật; thở mệt, hay trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao như béo phì, mắc bệnh nền... thì phải nhập viện theo dõi.

Song, một số trường hợp phát hiện trễ, bệnh tiến triển nặng và gây ra một số biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

“Triệu chứng ban đầu của bệnh TCM thường gặp là sốt từ 2-3 ngày. Sau đó, trẻ có thể bị loét miệng, bóng nước ở lòng bàn tay…

Tuy nhiên, đa số cha mẹ chỉ chú ý bóng nước ở các vị trí dễ nhận thấy như lòng bàn tay, chân, trong khi một số trẻ chỉ bị loét miệng. Bỏ sót dấu hiệu quan trọng này, dễ dẫn đến tình trạng của trẻ nặng hơn”- BS Tuyết Mai khuyến cáo.

BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, thông tin thêm, hiện nay, tại BVĐK tỉnh chỉ còn khoảng 14 lọ thuốc Gamma Globulin (IVIG). Số lượng thuốc này chỉ đủ để điều trị cho từ 2-3 bệnh nhân TCM mức độ 3 trở lên. Riêng thuốc Milrinol để điều trị cho bệnh nhân mức độ nhẹ vẫn còn đảm bảo.

“Nếu cùng lúc xảy ra nhiều ca bệnh nặng, đội ngũ y, bác sĩ sẽ hội chẩn với tuyến trên để chuyển tuyến tiếp tục điều trị vì hiện nay thuốc này rất hiếm, mua không có hàng”, BS Chí Công nói.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh