Cảnh báo gia tăng ca mắc sốt xuất huyết

05:04, 04/04/2023

Dù đang là mùa khô, chưa vào cao điểm của bệnh sốt xuất huyết (SXH), song tại tỉnh Vĩnh Long, hiện số ca mắc tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trước tình hình này, ngành y tế khẩn trương triển khai nhiều biện pháp giám sát ca bệnh khống chế nguồn lây không để bệnh SXH bùng phát thành dịch trên địa bàn.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BVĐK Vĩnh Long.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BVĐK Vĩnh Long.

(VLO) Dù đang là mùa khô, chưa vào cao điểm của bệnh sốt xuất huyết (SXH), song tại tỉnh Vĩnh Long, hiện số ca mắc tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trước tình hình này, ngành y tế khẩn trương triển khai nhiều biện pháp giám sát ca bệnh khống chế nguồn lây không để bệnh SXH bùng phát thành dịch trên địa bàn.

Vĩnh Long số ca mắc SXH tăng trên 10 lần

Theo Bộ Y tế, bệnh SXH thường xảy ra vào thời điểm tháng 3-4 và khoảng đầu tháng 7-11 hàng năm, đây là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn. Ở miền Nam, bất kỳ thời gian nào cũng có thể xảy ra dịch SXH do sự phân bố dày đặc của muỗi vằn.

Tại Vĩnh Long, bệnh SXH tăng ngay các tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh và xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận trên 480 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng hơn 400 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, số ca bệnh nặng chiếm 2,6% và đã có 1 trường hợp tử vong. Trước tình hình này công tác giám sát ca bệnh được thực hiện chặt chẽ từ cơ sở khám chữa bệnh đến hệ thống dự phòng.

Nằm điều trị SXH tại Khoa Truyền nhiễm- BVĐK Vĩnh Long, chị N.T.H.A. (xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ) cho biết: “Tôi sốt ớn lạnh 2 ngày, nhức rim mình tính do thời tiết nóng quá, tắm nhiều bị cảm nên mua thuốc tây về uống. Tới ngày thứ 4, nhức đầu quá và vẫn sốt ớn lạnh nên đi bệnh viện khám.

Bác sĩ nói tôi bị SXH có dấu hiệu nặng, tiểu cầu có giảm nên phải nhập viện điều trị”. Còn anh B.Q.H. (TP Vĩnh Long) nhập viện điều trị SXH khi có triệu chứng sốt cao liên tục nhiều ngày liền kèm đau đầu, đau mỏi toàn thân, đi cầu phân lỏng, xuất huyết dưới da.

Theo BS.CK2 Lê Thị Thu Trang- Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BVĐK Vĩnh Long, cần lưu ý các biểu hiện sớm của bệnh để điều trị và đưa đến bệnh viện kịp thời, tránh nguy cơ chuyển nặng. SXH có 3 giai đoạn: Sốt- nguy hiểm- hồi phục.

SXH từ ngày thứ 3-7 của bệnh triệu chứng giảm hoặc hết sốt nên người bệnh tưởng là khỏi nhưng từ ngày thứ 3 của bệnh là chuyển sang giai đoạn nguy hiểm của bệnh sẽ có các dấu hiệu cảnh báo người bệnh chủ quan nên không nhập viện mà ở nhà điều trị dẫn đến bệnh nặng, thậm chí tử vong.

“Dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue nặng cần chú ý khi có những biểu hiện sốt, đau đầu, đau bụng dữ dội, đau mỏi người, nôn ói liên tục, chảy máu chân răng,… nên đến bệnh viện ngay, không được tự ý truyền dịch, truyền đạm hoặc dung dịch tại nhà, không tự đi mua thuốc về uống…”, BS Thu Trang khuyến cáo.

Không bị muỗi đốt, không có SXH

Cán bộ y tế phun hóa chất dập các ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ tại xã Tân Lộc (Tam Bình).
Cán bộ y tế phun hóa chất dập các ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ tại xã Tân Lộc (Tam Bình).

Phun hóa chất dập các ổ dịch nhỏ SXH là biện pháp được ngành y tế tỉnh tích cực thực hiện để diệt muỗi mang mầm bệnh khống chế nguồn lây.

Tại các địa phương xảy ra ca SXH nặng hoặc tại ấp, khóm có 2 ca mắc SXH trở lên trong tuần, công tác xử lý ổ dịch nhỏ diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh khống chế nguồn lây được khẩn trương thực hiện.

Trong 3 tháng đầu năm, ngành y tế xử lý kịp thời trên 150 ổ dịch SXH nhỏ và đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về các biện pháp phòng bệnh SXH.

Cô Nguyễn Thị Chín (xã Tân Lộc, huyện Tam Bình) cho biết: “Bệnh SXH do muỗi vằn gây ra. Được cán bộ trạm y tế tuyên truyền, tui úp vỏ dừa xuống, lu hũ thì cọ rửa trong ngoài sạch sẽ, ngừa lăng quăng; phát quang bụi rậm không cho muỗi trú ngụ”.

Bệnh SXH hiện nay đã lưu hành quanh năm và sẽ bùng phát mạnh khi gặp điều kiện thuận lợi để muỗi vằn, tác nhân gây bệnh phát triển.

Biện pháp được xem là hiệu quả trong phòng chống sốt xuất huyết vẫn là diệt muỗi và lăng quăng- tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết.
Biện pháp được xem là hiệu quả trong phòng chống sốt xuất huyết vẫn là diệt muỗi và lăng quăng- tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh nên diệt muỗi lăng quăng cắt đứt nguồn lây là biện pháp hiệu quả hiện nay.

Theo anh Nguyễn Dương Tâm- Trung tâm Y tế huyện Tam Bình, việc tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng còn đánh động trong cộng đồng để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh SXH.

Với số ca mắc cao và nhiều trường hợp bệnh nặng do sốc SXH ngay trong các tháng đầu năm, ngành y tế nhận định tình hình bệnh SXH năm nay sẽ còn diễn biến phức tạp.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, ngành y tế đang nỗ lực để phòng trừ tác nhân gây SXH, đồng thời thực hiện nghiêm việc chẩn đoán, phân loại, điều trị tích cực cho bệnh nhân mắc SXH.

“Lĩnh vực dự phòng cũng phát hiện sớm các ổ dịch để phun thuốc diệt lăng quăng, xử lý kịp thời ổ dịch. Đồng thời, khuyến cáo người dân làm vệ sinh, dọn dẹp nơi sinh sống, không tích trữ nước hoặc có biện pháp che, đậy kín nơi chứa nước; thả cá vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng... và phòng, tránh muỗi đốt để bảo vệ sức khỏe bản thân gia đình và cộng đồng”.

Theo BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi, Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, SXH có thể tấn công trẻ nhỏ nhưng biểu hiện không điển hình như sốt, kèm ho, sổ mũi, hay tiêu chảy, nôn ói… gây lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa. Do đó, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám xét nghiệm định bệnh chính xác để điều trị thích hợp.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh