Đó là chủ đề xuyên suốt của chiến dịch kéo dài 2 năm, được khởi động từ năm 2022 nhân ngày Thế giới phòng chống ung thư 4/2. Đây là dịp nâng cao ý thức mỗi người, bởi ung thư nếu biết phòng tránh, phát hiện sớm, điều trị khoa học thì sẽ không là bệnh hiểm nghèo.
Phát hiện sớm bệnh bằng cách kiểm tra sức khỏe đều đặn, chú ý tầm soát ung thư khoảng 3 năm một lần ở lứa tuổi từ 20 - 40 và hàng năm từ 40 tuổi. |
(VLO) Đó là chủ đề xuyên suốt của chiến dịch kéo dài 2 năm, được khởi động từ năm 2022 nhân ngày Thế giới phòng chống ung thư 4/2. Đây là dịp nâng cao ý thức mỗi người, bởi ung thư nếu biết phòng tránh, phát hiện sớm, điều trị khoa học thì sẽ không là bệnh hiểm nghèo.
Gia tăng ca mắc ung thư tại Việt Nam
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, toàn thế giới có hơn 19 triệu ca mắc mới và gần 10 triệu ca tử vong do ung thư; trong đó 49% số ca mắc mới và 58% số ca tử vong đến từ châu Á.
Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư năm 2020 đã tăng 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), từ 164.671 ca vào năm 2018, lên 182.563 ca vào năm 2020.
Số người tử vong do ung thư từ 114.871 người lên mức 122.690 người, tăng 6 bậc, xếp thứ 50/185 quốc gia.
Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Việt Nam hiện có hơn 300.000 người đang mắc bệnh ung thư.
Lý giải về nguyên nhân, GS.TS Mai Trọng Khoa - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai chia sẻ, dân số tăng lên dẫn tới số người mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư cũng tăng theo. Từ đó, số người tử vong do ung thư cũng tăng.
Ngoài ra, Việt Nam đang đối mặt với sự già hóa dân số. Tuổi thọ tăng lên thì số người mắc ung thư cũng tăng, đó là quy luật tự nhiên. Hiện, tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng cao cũng giúp phát hiện ra bệnh sớm hơn.
Theo số liệu của BV Ung bướu Cần Thơ, điều đáng lo ngại của mô hình bệnh tật ung thư của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL là số bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn vào BV điều trị còn chiếm cao: Hơn 90% ung thư phổi, ung thư gan vào viện là giai đoạn không phẫu thuật được, 40% là giai đoạn muộn.
Điều này khiến việc điều trị có khả năng thành công thấp, làm giảm cơ hội sống của người bệnh và tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.
“Phòng chống ung thư cho cộng đồng”
Đó là chủ đề của buổi tọa đàm vừa được BV Ung bướu Cần Thơ phối hợp Hội Ung thư TP Cần Thơ tổ chức. Tham dự, có GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam.
Theo TS.BS Võ Văn Kha - Giám đốc BV Ung bướu Cần Thơ, nhiều loại ung thư có thể dự phòng, tầm soát và phát hiện sớm, như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư da, ung thư vùng đầu cổ, khoang miệng... Khi phát hiện bệnh sớm thì kết quả điều trị sẽ cao, khả năng trị hết bệnh.
Tuy nhiên, bệnh nhân thường vào viện khi đã vào giai đoạn muộn, không thể phẫu thuật và chi phí điều trị cao, tạo thành gánh nặng đối với gia đình.
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, việc sống thường xuyên trong môi trường ô nhiễm, chất lượng nước, không khí, thức ăn không bảo đảm cũng dẫn đến nguy cơ gây ung thư. Đáng chú ý, hút thuốc lá là nguyên nhân của 30% loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và là 90% nguyên nhân của ung thư phổi. Việc lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân gây ra ung thư miệng, họng, gan, vú, đại trực tràng. Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối… chiếm 35% nguyên nhân gây ung thư. |
Tại buổi tọa đàm, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng trình bày về bức tranh phòng trị ung thư.
Tại Việt Nam, các loại ung thư thường gặp gồm: phổi, gan, dạ dày, vú, đại trực tràng, cổ tử cung.
Các loại ung thư gây tử vong cao theo thứ tự vẫn là phổi, gan, vú, dạ dày, đại trực tràng, cổ tử cung.
Theo đó, ung thư có thể phòng ngừa được khi chúng ta biết và tránh xa những nguy cơ như hút thuốc lá, kể cả khói thuốc lá; không uống rượu quá đà; ăn đúng, ăn lành, ăn nhiều rau quả tươi, không quá mặn, quá ngọt, quá béo; tập thể dục; duy trì cân nặng hợp lý, ngăn ngừa các bệnh nhiễm; ngủ đủ.
Đặc biệt với bệnh nhân mắc bệnh viêm gan do siêu vi, dù đã điều trị bệnh ổn định vẫn phải đề phòng, coi bệnh là nguy cơ về ung thư gan...
Cũng theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, bệnh ung thư trở thành nan y nếu chúng ta phát hiện trễ; nếu phát hiện sớm, được điều trị đúng phương pháp sẽ có kết quả cao.
Y học ngày nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư như phẫu trị, xạ trị, hóa trị, ghép tủy xương, liệu pháp miễn dịch (sinh trị), liệu pháp nhắm trúng đích… đem lại hiệu quả điều trị tốt và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân…
Y học cũng có nhiều thiết bị hiện đại để phát hiện sớm ung thư như nội soi, siêu âm, chụp CT, MRI… đặc biệt việc kết hợp máy PET/CT có thể cho hình ảnh toàn diện về vị trí của khối bướu, mức tăng trưởng và lan tràn của khối bướu.
Vấn đề tầm soát để phát hiện sớm các loại bệnh tật là một vấn đề cực kỳ quan trọng bởi tỷ lệ chữa khỏi căn bệnh ung thư khi phát hiện sớm có thể lên tới 80 - 90%.
Ngoài việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe bản thân bằng các phương pháp y khoa hiện đại, thì phòng tránh căn bệnh ung thư chính từ việc có một lối sống lành mạnh sẽ là bước đi an toàn cho mỗi người.
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng lưu ý, nên duy trì thói quen khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ. Khi có các triệu chứng báo động như: thay đổi thói quen của ruột, đột nhiên có rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy dai dẳng. Có vết sùi loét không lành: vết lở loét ngày càng trầm trọng, dù điều trị tích cực vẫn không lành hoặc một vết lở nhỏ, một chồi cứng dai dẳng ít đau trong miệng (môi, lưỡi, amidal) ở đàn ông trên 40 tuổi, hút thuốc nhiều thì nên cảnh giác ung thư. Phụ nữ chảy máu bất thường ở âm đạo; có cục u ở vú. Ăn không tiêu; khó nuốt; ho dai dẳng không rõ nguyên nhân hoặc khàn tiếng; rối loạn chung chung: sụt cân, suy nhược, không thèm ăn, nhức đầu, buồn nôn lặp đi lặp lại, đau nhức... nên đi khám ngay nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin