"Mong người bệnh khỏe, trở về với cuộc sống bình thường"

08:02, 25/02/2023

Làm bác sĩ đã khó, vừa làm bác sĩ vừa làm bạn bè, người thân của một bệnh nhân (BN) tâm thần lại càng khó hơn bởi người bệnh hạn chế năng lực và hành vi. Song, vì cái tâm với nghề y, các y, bác sĩ ở Bệnh viện (BV) Tâm thần tỉnh vẫn cố gắng vượt qua. Mỗi ngày, họ tận tụy chăm sóc, theo dõi, chữa trị, chỉ mong người bệnh sớm được trở về cuộc sống đời thường.
 

 

Bác sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Kim Châu dành thời gian trò chuyện cùng bệnh nhân.
Bác sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Kim Châu dành thời gian trò chuyện cùng bệnh nhân.

 

Làm bác sĩ đã khó, vừa làm bác sĩ vừa làm bạn bè, người thân của một bệnh nhân (BN) tâm thần lại càng khó hơn bởi người bệnh hạn chế năng lực và hành vi. Song, vì cái tâm với nghề y, các y, bác sĩ ở Bệnh viện (BV) Tâm thần tỉnh vẫn cố gắng vượt qua. Mỗi ngày, họ tận tụy chăm sóc, theo dõi, chữa trị, chỉ mong người bệnh sớm được trở về cuộc sống đời thường.
 
Hết lòng với nghề
 
Tại Khoa Hồi sức Cấp cứu của BV Tâm thần tỉnh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy các BN được cố định tay chân trên giường.
 
BS.CK2 Thái Hoàng Yên- Phó Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết: “Các BN này nhập viện có người bị bệnh tâm thần phân liệt. Người sử dụng ma túy đá nên bị cảm giác hoang tưởng, ảo giác và mất kiểm soát hành vi, có thể hành hung thậm chí gây nguy hiểm đến những người xung quanh nên chúng tôi phải cố định tay, chân lại, cũng là để thuận tiện trong quá trình thăm khám và tiêm thuốc cắt cơn cho họ. Những trường hợp này thường được điều trị ổn định rồi mới chuyển xuống khoa”.
 
Với Khoa Hồi sức cấp cứu, khó khăn dường như gấp bội khi các bác sĩ phải giải quyết tình trạng sức khỏe BN như một bác sĩ đa khoa, chuyên tâm thần. Ở khoa này, ngoài điều trị tâm thần, các bác sĩ còn điều trị thêm các bệnh lý ngoại khoa, nội khoa khác.
 
“Quan trọng là phải tìm ra các nguyên nhân tiềm ẩn gây nên bệnh hay bệnh lý kết hợp với tâm thần. Điều này đòi hỏi các bác sĩ phải luôn theo dõi sát sao người bệnh để phát hiện triệu chứng. Khó nhất là điều trị cho BN kích động, chống cự, đập phá, thậm chí hành hung y, bác sĩ ngay trong lúc cấp cứu”- BS Hoàng Yên cho biết.
 
Chúng tôi tháp tùng theo BS Hoàng Yên đi khám và hỏi thăm từng BN: “Bộ tối qua em ngủ không được sao mà thấy thức nói hoài vậy”. BN N.C.T. (34 tuổi, huyện Mang Thít) bẽn lẽn: “Tui canh coi có ai dám quýnh tui không?”.
 
Mẹ em- cô L.T.L. thở dài: “Thiệt tình y, bác sĩ ở BV này cực và nguy hiểm quá trời. Bữa có BN vung tay quánh, phun nước miếng vô mặt bác sĩ đến khám, phải có bảo vệ vô kìm phụ. Vậy mà bác sĩ không giận, la lại còn nhẹ nhàng động viên người nhà yên tâm họ sẽ điều trị cho mau hết hung dữ”.
 
Tại Khoa Nam, hình ảnh đầu tiên bắt gặp là những thanh niên, những bác trung niên ngồi nhấp nhổm trên hành lang nhìn chúng tôi với những ánh mắt ngơ ngác vô hồn, hoặc dò xét, hay tỉnh táo hệt như những người bình thường.
 
“Gọi là BV tâm thần nhưng không có nghĩa người vào đây toàn là điên loạn, mà mỗi người một triệu chứng, biểu hiện nặng nhẹ khác nhau… Có BN nặng, thường hay phát bệnh, kích động, chống đối, chúng tôi phải bố trí ở phòng bệnh riêng biệt để tránh gây nguy hiểm cho những BN khác”- BS Phạm Văn Diên nói.
 
Các BN thấy y, bác sĩ xúm xít lại khoe: “Nãy con ăn hết hộp bún”; “Thuốc bác sĩ cho con uống hết trơn, hỏng có nhả” - vừa nói, anh T.M.T. (40 tuổi, TT Vũng Liêm) há miệng khoe.
 
Còn anh H.T.T. thì khoe bác sĩ: “Con đọc sách chú cho để tâm con tĩnh lặng, con bớt quậy”. Anh L.T.H. (50 tuổi) than tối ngủ không được. BS Văn Diên động viên: “Mấy em cố gắng uống thuốc để mau hết bệnh. Khó ngủ bác sẽ điều chỉnh thuốc cho mau hết bệnh”.
 
Ở lại để chăm sóc con trai bị tâm thần phân liệt, những người mẹ như cô H.T.L. và cô N.T.K.O. rất cảm kích và biết ơn sự chăm sóc tận tụy, hết lòng vì BN của y, bác sĩ kể cả nhân viên bảo vệ ở đây.
 
Cô H.T.L. tâm sự: “Con tui bệnh không quậy, nhưng ở nhà bỏ đi lang thang chạy xe tuốt ra Vũng Tàu. Cả nhà tìm, đăng báo mấy tháng mới gặp đưa về BV này điều trị”. Cô K.O. tiếp lời: “Các cô, chú y, bác sĩ nơi đây coi BN như người thân chăm sóc rất ân cần. Khỏe thì không sao, chứ có khi BN lên cơn chửi bới la hét, đánh bác sĩ, đánh điều dưỡng. Tụi tui rất sợ nhưng y, bác sĩ vẫn bình tĩnh chịu đựng, ân cần chăm sóc, điều trị cho BN”.
 
San sẻ tình yêu thương với BN tâm thần
 
Cho BN uống thuốc, ăn uống, cắt móng tay, móng chân, cắt tóc, cạo râu thậm chí tắm cho BN… những việc làm tưởng như trẻ con như thế lại diễn ra hàng ngày, là công việc không tên của các “blouse trắng” tại BV Tâm thần tỉnh Vĩnh Long. 
 
Hơn 8 năm làm điều dưỡng chăm sóc BN tâm thần, điều dưỡng Nguyễn Thị Nhung tâm sự: “Khi BN kích động, mình trấn an để họ dịu lại và chịu hợp tác như uống thuốc, chích thuốc. Tới giờ uống thuốc, mình phải phát tận miệng, đứng coi và kiểm tra xem BN có uống thuốc chưa. Nhiều khi BN lên cơn không còn nhận thức được bản thân ngoài việc hò hét, đập phá, có khi tiêu tiểu tại chỗ thì phải lau dọn, phải dịu ngọt khuyên BN. Có BN bị bệnh mãn tính, 1 năm vô viện mấy lần thấy y, bác sĩ như người thân”. 
 
Làm việc tại BV này thì việc bị BN tấn công là chuyện hết sức bình thường. Khi BN bị tâm thần phân liệt, nghiện ma túy đột ngột lên cơn, phát bệnh, họ sẽ tấn công người xung quanh. Hầu như tất cả các y, bác sĩ ở BV, kể cả ban giám đốc cũng đã từng bị BN tấn công.
 
Điều dưỡng Đỗ Tuấn Dũng tâm sự: “Có lần BN kích động, lấy mền trùm lại và đốt. Lúc đó, tôi chạy vô cứu. May cả 2 người không sao. Còn chuyện y, bác sĩ ở đây bị hành hung… cũng thường. Có khi đang chích thuốc, BN nắm áo, xé áo. Tâm lý y, bác sĩ ở đây thường phải thủ, phải quan sát BN để phòng vệ”.
 
Song, dù họ dữ đến mấy cũng đến lúc dịu êm, BN tâm thần cũng thế, họ cũng có những khoảng thời gian như người bình thường. Vừa được điều dưỡng Nhung cắt móng 2 bàn tay, BN Đ.H.D. khoanh tay cười cám ơn. Ngồi kế bên, BN N.T.P. cười tủm tỉm nói với điều dưỡng Nguyễn Thanh Phong: “Em nhớ cắt cho anh đẹp trai để về nhà vợ anh khen nha!”. 
Các điều dưỡng cho bệnh nhân uống thuốc, ăn uống, cắt móng tay, móng chân, cắt tóc, cạo râu thậm chí tắm cho bệnh nhân.
Các điều dưỡng cho bệnh nhân uống thuốc, ăn uống, cắt móng tay, móng chân, cắt tóc, cạo râu thậm chí tắm cho bệnh nhân.
Điều dưỡng Thanh Phong kể: “Có rất nhiều kỷ niệm trong nghề. Mới vô làm 1 năm, có BN rất nóng cọc nên em bị hứng đòn thường xuyên. Sau đó BN khỏe, ngày xuất viện, BN đến xin lỗi. Đó là hạnh phúc với nghề khi mình chăm sóc BN được tỉnh táo về với gia đình”. 
BN H.T.T. vui cất tiếng hát: “Ta mang cho em một đóa quỳnh. Quỳnh thơm hay môi em thơm. Ta mang cho em một chút tình. Miệng cười khúc khích trên lưng,…”
 
Cả BN và bác sĩ đều vỗ tay hòa theo tiếng hát. Đó là “liều thuốc” tinh thần, sự gắn kết yêu thương nơi BV. Bằng tinh thần và trách nhiệm của người thầy thuốc, các cán bộ y bác sĩ của BV Tâm thần Vĩnh Long điều trị và chăm sóc cho hàng ngàn BN tâm thần trở về sống tại cộng đồng.
Theo Giám đốc BV Tâm thần tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Diên, BV tâm thần đang thiếu bác sĩ phục vụ trầm trọng. Hiện BV có 13 bác sĩ nhưng chỉ có 6 bác sĩ đủ điều kiện khám chữa bệnh, so với quy định BV 100 giường. Các bác sĩ trẻ cần phải đào tạo thêm. Ngoài ra, BV lại kiêm luôn việc chỉ đạo chương trình sức khỏe tâm thần cộng đồng, quản lý hàng ngàn BN động kinh và tâm thần phân liệt nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị cũng như thực hiện nhiệm vụ được giao. “Điều “giữ chân” chúng tôi lại, chính là sự yêu nghề và luôn thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh