Mùa lạnh cảnh giác nguy cơ tai biến, đột quỵ

02:12, 23/12/2022

Các chuyên gia y tế cảnh báo khi thời tiết giao mùa, nhiệt độ giảm làm mạch máu co lại, huyết áp tăng lên, dễ gây đột quỵ. Đặc biệt, đối với người cao tuổi, người có bệnh cao huyết áp, tim mạch càng nên lưu ý phòng bệnh.

 

 

Người già bị đột quỵ điều trị tại Khoa Nội tim mạch - Lão khoa BVĐK Vĩnh Long.
Người già bị đột quỵ điều trị tại Khoa Nội tim mạch - Lão khoa BVĐK Vĩnh Long.

Các chuyên gia y tế cảnh báo khi thời tiết giao mùa, nhiệt độ giảm làm mạch máu co lại, huyết áp tăng lên, dễ gây đột quỵ. Đặc biệt, đối với người cao tuổi, người có bệnh cao huyết áp, tim mạch càng nên lưu ý phòng bệnh.

Gia tăng bệnh nhân đột quỵ

Khoảng 200.000 ca đột quỵ hàng năm được ghi nhận tại Việt Nam. Đáng lo ngại đây là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng rất ít trường hợp đột quỵ được đưa đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Đặc biệt, khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều bệnh viện ghi nhận số lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng.

Tại Khoa Nội tim mạch - Lão khoa BVĐK Vĩnh Long đang điều trị nhiều bệnh nhân lớn tuổi bị đột quỵ. Bà Nguyễn Thị Lê (81 tuổi, Phường 3 - TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi nuôi em trai 78 tuổi bị tai biến não lần 2 và bị viêm phổi. Cũng nhờ đến bệnh viện sớm, được các bác sĩ tận tình điều trị nên em tôi có cơ hội sống”.

Theo BS.CK2 Huỳnh Kim Phương - Trưởng Khoa Nội tim mạch - Lão khoa, lượng bệnh nhân nhập viện do các bệnh liên quan đến tim mạch, đột quỵ trong mùa lạnh tăng lên. Bên cạnh đó, ngoài những người mắc bệnh mới, người có tiền sử đột quỵ, tai biến cũng có nguy cơ tái phát khá cao.

“Đa phần bệnh nhân đều là người già. Khi thời tiết lạnh, các mạch máu co lại khiến huyết áp tăng. Sự thay đổi đột ngột nhiệt độ cơ thể có thể khiến gia tăng các biến chứng như: vỡ mạch máu trong não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim”- bác sĩ Kim Phương cho biết.

Phòng đột quỵ mùa lạnh

Tại Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch TP Cần Thơ, vào những tháng 11 - 12 luôn ghi nhận nhiều bệnh nhân cấp cứu đột quỵ. Theo các bác sĩ, phần lớn bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện muộn, nhất là trong mùa lạnh.

Bên cạnh đó là sự gia tăng đáng kể bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện (còn gọi là xuất huyết não do vỡ phình mạch máu não) vào ban đêm (thời điểm từ tối đến sáng). Tần suất xảy ra ở người cao tuổi nhiều hơn. Đáng lưu ý, trong đó có những trường hợp chưa thật sự cẩn trọng khi thời tiết chuyển lạnh.

Tình trạng đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh cũng bất ngờ làm khởi phát tình trạng này. TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch TP Cần Thơ cho biết, theo cơ chế sinh học, khi trời lạnh, cơ thể sẽ có phản ứng co mạch toàn thân.

Đó là lý do tại sao khi trời lạnh tay chân chúng ta cũng lạnh theo, đồng thời sẽ bị khô da, vọp bẻ, ít uống nước. Khi cơ thể co mạch toàn thân, lưu lượng máu sẽ dồn về những cơ quan quan trọng như não, tim. Nếu bệnh nhân kèm theo túi phình mạch máu não hay có những mạch máu dễ yếu, dễ vỡ thì rất có khả năng xảy ra xuất huyết mạch máu não.

Nếu bệnh nhân có bệnh nền là tăng huyết áp, khi mạch máu co lại sẽ tăng áp lực lên tim. Do đó sẽ khó kiểm soát huyết áp hơn trong mùa lạnh. Trời về sáng, tim đập nhiều hơn, huyết áp tăng cao hơn, nếu bệnh nhân thay đổi tư thế đột ngột, đi toilet trong tình trạng chưa tỉnh táo hoàn toàn rất có nguy cơ xảy ra đột quỵ.

Để phòng chống đột quỵ trong mùa lạnh, TS.BS Trần Chí Cường lưu ý, những người đang điều trị huyết áp, tiểu đường, ngoài việc theo dõi và kiểm soát huyết áp, đường máu định kỳ, bệnh nhân phải đo huyết áp 2 lần/ngày (buổi sáng và tối trước khi đi ngủ), đặc biệt là vào mùa lạnh cần cảnh giác với đột quỵ.

Trong đêm tránh xảy ra tình trạng rối loạn giấc ngủ, bởi những người lớn tuổi đi vào giấc ngủ rất khó khăn. Khi ngủ dậy cần nằm tại giường, co duỗi tay chân, vận động thật nhiều để cơ thể tỉnh táo hẳn, sau đó mới ngồi dậy và bước đi. Tuy đây chỉ là bước chuẩn bị nhỏ nhưng rất hữu dụng, phòng tránh đột quỵ xảy ra.

“Trong trường hợp chẳng may người thân trong gia đình bị đột quỵ, mọi người cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện có cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng. Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ trong đêm, nhưng người nhà lơ là và chờ đến sáng mới đi cấp cứu, điều này gây chậm trễ trong điều trị cũng như để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân”- bác sĩ Chí Cường lưu ý.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong thời điểm lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, nguy cơ đột quỵ thường tiềm ẩn ở những người cao tuổi do lưu lượng máu qua não ở người già giảm rất thấp, chức năng cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết. Không chỉ người già mà những ai có tiền sử cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... cũng rất dễ bị đột quỵ tấn công. Do vậy, cần lưu ý khi ngủ dậy ra khỏi giường một cách từ từ, mặc đủ quần áo ấm, không nên dậy vào lúc sáng sớm, nếu không sẽ rất dễ bị đột quỵ.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh