Theo các chuyên gia y tế, để ngăn ngừa bệnh Adenovirus ở trẻ em bùng phát, cha mẹ cần vệ sinh tay, vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên.
Theo các chuyên gia y tế, để ngăn ngừa bệnh Adenovirus ở trẻ em bùng phát, cha mẹ cần vệ sinh tay, vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên.
Các bệnh nhi mắc Adenovirus đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVNTƯ. |
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã phát hiện gần 500 trường hợp mắc bệnh do AdenoVirus, trong đó 76% (324 trường hợp) có chỉ định nhập viện. Số ca mắc có xu hướng tăng từ tháng 8/2022 đến nay.
Trung tuần tháng 9/2022 trở lại đây, bệnh bùng phát bất thường. Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tính đến cuối giờ chiều ngày 22/9, tổng số ca nhiễm ghi nhận trong toàn Bệnh viện từ đầu năm 2022 đã lên tới 1.406 ca, số ca bệnh nội trú 811, có 7 ca tử vong.
Thông tin từ BV Sản Nhi Nghệ An, gần đây bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ nhiễm AdenoVirus. Theo đó, trẻ nhập viện với có các biểu hiện khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, SpO 2 < 94%, nôn không uống thuốc được, co giật, trẻ có bệnh nền…
Theo các chuyên gia y tế, để ngăn ngừa bệnh bùng phát lây lan thành dịch trong cộng đồng, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Vệ sinh cá nhân, mũi họng cho trẻ thường xuyên. Đảm bảo môi trường thông thoáng, không có khói bụi, thuốc lá. Sử dụng nguồn nước sạch. Đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài. Tránh tiếp xúc với trẻ bị ốm.
Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng nhất là trẻ nhỏ. Khi có sức đề kháng tốt, trẻ có thể giảm nguy cơ mắc các loại bệnh, trong đó bao gồm cả những bệnh về đường hô hấp.
Đối với những trường hợp nhiễm virus thể nhẹ, người bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ sẽ được hướng dẫn hạ sốt, bù nước và điện giải, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và theo dõi biến chứng bội nhiễm, viêm phổi để có biện pháp điều trị hỗ trợ kịp thời.
Về chăm sóc trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ. Nhỏ mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý để giảm đau họng. Ăn các thức ăn lỏng, mềm, có mùi vị dễ chịu, dễ nuốt, dễ tiêu như cháo thịt, cháo sườn nhừ, cháo gà, súp gà… Nếu trẻ buồn nôn hoặc nôn cần chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ăn ít một để hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp như khó thở, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, sốt cao, tiêu chảy, nôn nhiều không đỡ… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Theo Phạm Hiền/GD&TĐ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin