Bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại Vĩnh Long đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh, số ca bệnh nặng cũng tăng so cùng kỳ. Quyết tâm không để dịch bùng phát, ngành y tế đang tích cực triển khai nhiều hoạt động chuyên môn, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Nhiều trường hợp nhập viện do mắc sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình. |
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại Vĩnh Long đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh, số ca bệnh nặng cũng tăng so cùng kỳ. Quyết tâm không để dịch bùng phát, ngành y tế đang tích cực triển khai nhiều hoạt động chuyên môn, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Quyết tâm khống chế bệnh SXH
Là điểm nóng của bệnh SXH với gần 60 trường hợp từ đầu năm đến nay và đã có 1 trường hợp tử vong, xã Tường Lộc (huyện Tam Bình) đang tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng. Trong đó, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về các biện pháp phòng bệnh là nhiệm vụ trọng tâm. Vì chỉ khi không có lăng quăng, không có muỗi mới khống chế được SXH. Điều dưỡng Nguyễn Hữu Thào- Phó Trạm Y tế xã Tường Lộc cho biết: “Nhân viên y tế tăng cường tuyên truyền vận động người dân diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh SXH. Bên cạnh đó, phun hóa chất diện rộng tại 4 ấp xảy ra những ca bệnh nhiều. Qua đó, ý thức người dân được nâng cao, chung tay diệt lăng quăng”.
Ông Nguyễn Trí Huệ (xã Tường Lộc) cho biết: “Bệnh này tui có xem trên báo đài, rồi nhân viên y tế xuống tuyên truyền, cảnh báo diễn biến bệnh nhanh, khi có sốt phải vô viện khám ngay coi có bị SXH hay không, chứ không tự ý mua thuốc uống. Ở nhà phải dọn dẹp sạch, sân cũng phải sạch, không để nước đọng, vợt muỗi, đốt nhang muỗi thường xuyên; ngủ mùng phòng muỗi chích”.
Tại xã Hòa Phú (Long Hồ), ngay từ khi ghi nhận những ca mắc SXH đầu tiên, ngành y tế địa phương nhanh chóng phối hợp với các đoàn thể phun xịt hóa chất tại các ổ dịch để hạn chế nguồn lây, đồng thời đến từng gia đình hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, hạn chế muỗi sinh trưởng và gây bệnh.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ Nguyễn Thị Ngọc Bích, cho biết: “Bệnh SXH nếu không xử lý kịp thời sẽ dễ lây lan trong cộng đồng, do đó khi phát hiện ca bệnh thì xã phải báo về Trung tâm Y tế huyện, đồng thời phối hợp các ngành phun thuốc và vận động người dân phòng tránh. Qua tuyên truyền, đa số người dân đồng thuận, tuy nhiên một số bà con chưa hiểu hết về các biện pháp phòng bệnh nên đôi khi công tác phòng bệnh chưa triệt để, một bộ phận người dân cũng không đồng ý phun thuốc, gây khó khăn cho nhân viên y tế trong xử lý ổ dịch. Trung tâm tiếp tục tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức. Mỗi gia đình tự diệt lăng quăng, tự kiểm soát coi có muỗi hay không”.
Cần cẩn trọng
Theo ngành y tế, Vĩnh Long tiếp tục ghi nhận số ca mắc SXH ở mức cao và chưa có dấu hiệu chựng lại, với trên 2.350 trường hợp, tăng gấp 6 lần so cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, bệnh SXH năm nay diễn tiến rất khó lường, nhiều trường hợp sốc nặng và đã có 3 trường hợp tử vong.
TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Trung bình mỗi tuần toàn tỉnh có khoảng 160 ca mắc SXH. Song, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan trong việc phòng bệnh, chỉ khi có ca mắc SXH xảy ra gần khu vực sinh sống thì người dân mới lo sợ và phòng bệnh. Ngoài ra, một số người bệnh thường chủ quan, đến cơ sở y tế điều trị trễ nên dẫn đến trường hợp bệnh trở nặng.
Theo các bác sĩ, diễn tiến của SXH rất nhanh. Do đó, khi thấy sốt, đau nhức hốc mắt, đau cơ xương khớp… cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm. SXH có 4 chủng nên nếu đã từng mắc SXH thì vẫn có nguy cơ mắc các chủng còn lại. Do đó, người dân không nên chủ quan, bởi bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa. Biện pháp tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, tránh muỗi đốt.
Biện pháp tốt nhất hiện nay để phòng bệnh sốt xuất huyết là phải tăng cường diệt muỗi và lăng quăng. |
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Thu Trang- Trưởng Khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các triệu chứng khi người bệnh bị SXH thường không rõ ràng. Ở thể bệnh nhẹ, thường là sốt cao đột ngột 39- 40 độ C, sốt kéo dài và khó hạ. Ngoài ra, còn có những triệu chứng khác như đau đầu, đau hốc mắt dữ dội.
Ở thể nặng, người bệnh có thể kèm theo các dấu hiệu xuất huyết như chấm đỏ ngoài da, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen. Cũng có trường hợp kèm đau bụng, chân tay lạnh, người vật vã. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.
Mỗi người cần nêu cao ý thức trong việc phòng bệnh ngay tại gia đình của mình. Đặc biệt, đối với gia đình có con nhỏ, các bậc cha mẹ cần đề phòng và trang bị những kiến thức về phòng bệnh SXH để có được cách chăm sóc. Phát hiện con em mình nghi ngờ mắc SXH, cần đưa ngay đến cơ sở y tế.
“Thời điểm nguy hiểm nhất và bệnh diễn tiến nặng nhất rơi vào ngày thứ 4- 7 từ khi phát bệnh. Khi đó bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt nhưng lại xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu gây chảy máu, tụt huyết áp, suy gan, suy thận... Khi phát hiện người thân có biểu hiện sốt, cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.”- bác sĩ Thu Trang khuyến cáo.
|
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin