Tình trạng thiếu cục bộ một số loại thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất đã ảnh hưởng ít nhiều đến công tác khám chữa bệnh, đang là tình trạng chung của nhiều cơ sở y tế cả nước. Với quan điểm "không để bệnh nhân không có thuốc chữa bệnh", các cơ sở y tế chủ động, linh hoạt, khẩn trương lựa chọn các hình thức đấu thầu, đảm bảo có đủ thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân.
Ông Đào Văn Thảo (Long Hồ) cho biết: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thuốc men đầy đủ, bản thân tui bị tiểu đường cũng an tâm điều trị”. |
Tình trạng thiếu cục bộ một số loại thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất đã ảnh hưởng ít nhiều đến công tác khám chữa bệnh, đang là tình trạng chung của nhiều cơ sở y tế cả nước. Với quan điểm “không để bệnh nhân không có thuốc chữa bệnh”, các cơ sở y tế chủ động, linh hoạt, khẩn trương lựa chọn các hình thức đấu thầu, đảm bảo có đủ thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân.
“Có đủ thuốc, người bệnh cũng an tâm điều trị”
Mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tiếp nhận từ 600- 800 bệnh nhân (BN) khám và nhận thuốc BHYT. Trong vài tháng qua, mặc dù đang trong tình trạng thiếu cục bộ với một vài loại thuốc, nhưng BVĐK tỉnh nỗ lực xoay xở nguồn cung chế phẩm y tế, trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, cấp cứu và điều trị cho BN. Dược sĩ Nguyễn Ngọc Kiếu- Phó Khoa Dược, cho biết: “Khoảng tháng 4, 5 BVĐK thiếu thuốc, tuy nhiên, sau đó Sở Y tế, ban giám đốc bệnh viện kịp thời linh hoạt thực hiện một số giải pháp để đáp ứng cơ bản những thuốc nằm trong danh mục BHYT, cơ bản đáp ứng đủ thuốc điều trị BN”.
Đến thời điểm này, BVĐK tỉnh cũng cung ứng cơ bản những thuốc nằm trong danh mục BHYT và vật tư y tế. Hiện nay, các BN của bệnh viện không phải đi mua thuốc và vật tư bên ngoài nữa, trừ những thuốc ngoài danh mục BHYT.
Cô Lê Thị Chín (huyện Long Hồ) cho biết: “Tui bị tiểu đường 12 năm, thường xuyên thăm khám tại bệnh viện tỉnh. Hồi tháng 4, bệnh viện có thiếu thuốc, tui phải mua ngoài, nhưng gần 2 tháng nay thì bác sĩ cho toa là lãnh đủ thuốc hết, không tốn tiền mua như kỳ trước”. Còn chú Nguyễn Đức Long (TP Vĩnh Long) cho biết: “Mấy bệnh mãn tính huyết áp, tim như chú cứ bệnh rề rà, cứ đi khám suốt. Theo dõi báo chí cũng biết tình trạng thiếu thuốc xảy ra ở cả nước chứ không riêng gì tỉnh mình. Nhưng chỉ thiếu có thời gian ngắn là bệnh viện tỉnh khắc phục, có đủ thuốc rồi. Người bệnh cũng an tâm điều trị”.
Còn tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình- nơi có đông BN đến khám và điều trị, hiện đối với thuốc, vật tư y tế và các mua sắm khác để phục vụ cho các hoạt động của trung tâm, các gói thầu năm 2021 cũng còn dự trữ đủ để giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Hiện chưa có hiện tượng thiếu thuốc, kể cả thuốc cấp cứu phục vụ phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, số lượng còn ít, do vậy các gói thầu năm nay cũng bắt đầu triển khai, nhưng theo đánh giá còn chậm do nhiều nguyên nhân. Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Ninh- Trưởng Khoa Khám bệnh- Trung tâm Y tế huyện Tam Bình cho biết: “Trung tâm cũng có thiếu thuốc trong thời gian ngắn nhưng đã sớm khắc phục để đảm bảo điều trị cho BN”.
“Chúng tôi đề xuất về các nhà hoạch định chính sách cần có văn bản luật, văn bản dưới luật, những thông tư hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết ví dụ như thông tư hướng dẫn đấu thầu vật tư y tế. Rồi có những chương trình tập huấn thường xuyên cho các anh em làm công tác đấu thầu; đề nghị có chương trình đấu thầu tập trung để huy động chuyên gia có những ý kiến thiết thực hỗ trợ cho ngành y tế thực hiện công tác đấu thầu thực sự hợp lệ, hợp lý và hợp pháp. Riêng những mặt hàng đặc biệt hoặc nhỏ thì có cơ chế để các đơn vị tự mua sắm”- Phó Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng cho biết. |
Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu thuốc
Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở y tế trong tỉnh cơ bản đáp ứng đủ thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, số lượng còn ít, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh tăng lên, đặc biệt dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp nên vẫn cần có những kế hoạch bổ sung kịp thời. Sở Y tế cũng có giải pháp đề nghị UBND tỉnh cho phép các cơ sở y tế tiếp tục mua gói thầu theo chỉ định thầu, để cung ứng cho BN trong giai đoạn chờ đấu thầu lại những mặt hàng chưa thầu được.
Theo TS.bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc do đấu thầu chậm trễ trong năm 2022, cũng như chuẩn bị tốt cho đấu thầu tập trung cấp địa phương trong những năm tiếp theo, Sở Y tế sẽ có chỉ đạo các đơn vị rút ngắn thời gian lập dự trù mua thuốc, phối hợp chặt chẽ với BHXH thống nhất danh mục thuốc dự kiến để quá trình đấu thầu được rút ngắn, kịp thời có thuốc. Mua thuốc theo hình thức chỉ định thầu rút gọn đúng quy định khi cần thiết.
Quy trình tổ chức đấu thầu thuốc đòi hỏi sự chặt chẽ, thường phải mất tới vài tháng. Do đó, phải có một đội ngũ chuyên nghiệp để rút ngắn được thời gian ở tất cả các khâu cũng như kịp thời tổ chức đấu thầu để nguồn cung thuốc không bị gián đoạn. Các cơ sở y tế phải có quy định ước lượng được: Trong kho còn bao nhiêu thuốc, sử dụng một tháng là bao nhiêu.
Sau khi Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực, BVĐK tỉnh cũng như các cơ sở y tế nói chung gặp khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc. Việc mua thuốc và vật tư y tế được thực hiện theo hình thức đấu thầu tập trung. Trong đó, việc mua thuốc điều trị tại các cơ sở y tế được thực hiện hàng năm, một số danh mục thuốc được mua tập trung theo cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia. Vì vậy, nhiều thiết bị không có giá công khai trên cổng mua sắm quốc gia thì không được mua, hoặc nhiều đơn vị không cung cấp báo giá dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin