Công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe người dân vẫn đang được Vĩnh Long chú trọng. Song, do biến thể phụ của COVID-19 có khả năng lây lan nhanh và số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Ngành y tế dự báo nguy cơ bùng phát dịch rất cao, người dân không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Việc tiêm vắc xin, tuân thủ khẩu trang, khử khuẩn là những vũ khí hiệu quả trong việc phòng chống dịch COVID-19. |
Công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe người dân vẫn đang được Vĩnh Long chú trọng. Song, do biến thể phụ của COVID-19 có khả năng lây lan nhanh và số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Ngành y tế dự báo nguy cơ bùng phát dịch rất cao, người dân không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Số ca mắc COVID-19 tăng
Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. Trung bình tuần qua có gần 18.000 ca mắc mới.
Xu hướng gia tăng này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao bởi 2 biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước, có khả năng lây lan và lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn.
Cùng với COVID-19, dịch SXH, cúm A cũng có xu hướng gia tăng. Nguy cơ dịch chồng dịch có thể xảy ra nếu địa phương không chủ động và người dân còn chủ quan.
Tại Vĩnh Long, dù tỉnh đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin khá cao, tuy nhiên, hiện nay với biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đang làm lây lan nhanh số mắc. Nhiều người dân sau khi tiêm vắc xin mũi cơ bản hoặc đã từng mắc COVID-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh.
Theo ngành y tế, chỉ tính trong tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận hơn 60 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, tăng 1,5 lần so với tuần trước; số mắc trung bình 9 ca/ngày. Bệnh được ghi nhận ở hầu hết các địa phương.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành y tế đã và đang triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát dịch như theo dõi diễn biến dịch, giám sát điều tra dịch tễ những ca bệnh có triệu chứng liên quan đến đường hô hấp. Đồng thời đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Tính đến thời điểm này, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 4 của tỉnh đạt 99,9%; 80% trẻ từ 5-11 tuổi hoàn thành mũi 2 và trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 3 đạt trên 70%.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Văn Công Minh- Giám đốc Sở Y tế cho biết: “2 tuần qua, số ca mắc của tỉnh có chiều hướng tăng, có ngày trên 10 ca là dấu hiệu nguy cơ bùng dịch trong cộng đồng khá cao. Ngành y tế khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là.
Việc tiêm vắc xin, tuân thủ khẩu trang, khử khuẩn là những vũ khí hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh”.
Người dân nâng cao ý thức trước nguy cơ “dịch chồng dịch”
Người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tích cực loại bỏ lăng quăng, không để phát sinh muỗi. |
Không chỉ số ca mắc COVID-19 gia tăng mà số ca mắc SXH trong tỉnh cũng liên tục tăng. Trong tuần qua, Vĩnh Long ghi nhận 140 ca mắc, trung bình 20 ca/ngày; so với tuần trước, số mắc tăng gấp 1,2 lần (140/115 ca).
Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.580 trường hợp mắc bệnh SXH, có 2 trường hợp tử vong. Đồng thời, ngành y tế cũng ghi nhận và xử lý 45 ổ dịch SXH nhỏ, nâng số ổ dịch SXH nhỏ được xử lý từ đầu năm đến nay lên gần 450 ổ dịch, hạn chế bệnh tiếp tục lan rộng. Số ca mắc và ổ dịch nhỏ SXH được phát hiện rải rác ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Chăm con bị SXH nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Trà Ôn, chị Hà Thị Tú (xã Hựu Thành- Trà Ôn) cho biết: “Ở nhà bé có triệu chứng nóng sốt, có uống thuốc không hạ nên đi viện bác sĩ cho thử máu nói bị SXH”.
Theo Giám đốc Sở Y tế- Văn Công Minh, dự báo cuối tháng 8, tháng 9 thời tiết mưa nhiều, bệnh SXH sẽ tiếp tục gia tăng số ca mắc. Để giảm thiểu tình trạng này, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường.
“Tại mỗi gia đình, người dân cần tích cực dọn dẹp để loại bỏ lăng quăng, không để phát sinh muỗi; ngủ mùng kể cả ban ngày. Nếu phát hiện bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Có như vậy, bệnh SXH mới sớm được đẩy lùi, sức khỏe của người dân mới được đảm bảo”- bác sĩ Văn Công Minh khuyến cáo.
Trước việc gia tăng trở lại các trường hợp mắc COVID-19 và diễn biến phức tạp của dịch SXH, nguy cơ hiện hữu dịch chồng dịch (bệnh COVID-19 và SXH Dengue), Sở Y tế yêu cầu các địa phương trong tỉnh chủ động, quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
Biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiện nay vẫn là tiêm vắc xin đủ liều, đúng lịch theo chỉ định, mang khẩu trang những nơi đông người và thường xuyên sát khuẩn tay.
Đối với bệnh SXH, cần tích cực dọn dẹp vệ sinh nhà cửa thông thoáng, xóa môi trường sinh sản của muỗi, diệt muỗi, lăng quăng và phòng muỗi đốt để bảo vệ bản thân, góp phần cùng ngành y tế khống chế bệnh SXH.
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang có dấu hiệu gia tăng. Tại các cơ sở điều trị, ghi nhận nhiều ca nặng, tử vong do không tiêm vắc xin. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có đến hơn 25% bệnh nhân nằm hồi sức tích cực chưa tiêm vắc xin. Hiện các trường hợp mắc COVID-19 nặng và tử vong chưa tiêm vắc xin chiếm tỷ lệ 23- 25% ở các tuyến, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tỷ lệ tử vong do không tiêm vắc xin là 50%. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin