Đừng tự ý điều trị bệnh sốt xuất huyết

03:08, 16/08/2022

Có không ít trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) nhưng tự điều trị, gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đã có trường hợp tử vong.

 

 

Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Có không ít trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) nhưng tự điều trị, gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đã có trường hợp tử vong.

Theo Sở Y tế Đồng Nai thông tin về trường hợp thứ 15 tử vong do SXH. Do không biết bị SXH, tưởng cảm cúm bình thường nên cô gái 25 tuổi tự mua thuốc uống, 4 ngày sau bệnh trở nặng, nhập viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Lúc nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn, SXH nặng thể sốc ngày 4, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu. Đến chiều cùng ngày, bệnh nhân tử vong.

Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, tình hình bệnh SXH trên địa bàn Vĩnh Long đang có xu hướng tăng và tỉnh cũng ghi nhận 2 ca tử vong. Cả 2 trường hợp đều có đặc điểm chung là tự mua thuốc điều trị, đến khi bệnh diễn tiến nặng mới đến bệnh viện khám.

Theo các bác sĩ, SXH thường diễn tiến qua 3 giai đoạn, trung bình 7 ngày, trong đó giai đoạn hết sốt (ngày 3- 6) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Trong 24- 48 giờ của giai đoạn quan trọng này, một số bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng xấu đi đột ngột. Ở giai đoạn này, triệu chứng sốt giảm hẳn, phần lớn người bệnh thấy dễ chịu hơn, giảm đau nhức. Tuy nhiên, bệnh nhân mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, nặng hơn là chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi cầu ra máu, tay chân lạnh... thì đây là triệu chứng vào sốc. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong.

Để giảm thiểu số ca mắc và tử vong do bệnh SXH, bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị sốt cao liên tục nhiều ngày, phát ban, đau cơ, khớp… cần phải đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị. Đặc biệt, không được chủ quan tự ý mua thuốc điều trị tại nhà khiến bệnh biến chứng nặng rất khó điều trị, thậm chí tử vong. Ngoài ra, bệnh SXH vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Người dân cần tránh bị muỗi đốt, như ngủ trong mùng kể cả ban ngày, sử dụng kem đuổi muỗi.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh