Cha tôi 74 tuổi, bị tiểu đường trên 25 năm, đang uống thuốc theo toa bác sĩ nhưng lâu lâu vẫn thấy bị hạ đường huyết. Vậy làm cách nào để phòng ngừa hạ đường huyết?
(VLO) Cha tôi 74 tuổi, bị tiểu đường trên 25 năm, đang uống thuốc theo toa bác sĩ nhưng lâu lâu vẫn thấy bị hạ đường huyết. Vậy làm cách nào để phòng ngừa hạ đường huyết?
Trần Văn Tuấn (Ngãi Tứ- Tam Bình)
Trả lời: Đối với người bệnh tiểu đường cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về chế độ dùng thuốc, ăn uống và vận động thể lực. Không kiêng khem quá mức, bỏ bữa ăn vì mệt mỏi hoặc do các bệnh lý khác. Không nên nhịn đói hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức.
Thường xuyên kiểm tra đường huyết tại các cơ sở y tế hoặc có thể tự làm kiểm tra tại nhà bằng cách theo dõi đường máu mao mạch theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Cần có chế độ tập luyện thường xuyên, phù hợp với từng người theo tư vấn của bác sĩ điều trị.
Luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường… trong túi, trong cặp để khi xảy ra hạ đường huyết có thể dùng ngay.
Trường hợp không bị bệnh tiểu đường nhưng lại hạ đường huyết tái phát, người bệnh nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày nhằm ngăn chặn lượng đường trong máu xuống quá thấp.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải là chiến lược dài hạn được khuyến khích. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn, xác định và điều trị nguyên nhân của hạ đường huyết.
BS PHAN GIA HOÀNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin