Bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh

10:07, 15/07/2022

Tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại tỉnh Vĩnh Long đang diễn biến phức tạp, không ngừng gia tăng số ca mắc, trong đó, bệnh nặng chiếm tỷ lệ khá cao và tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

 

 

Biện pháp tốt nhất hiện nay để phòng dịch sốt xuất huyết là phải tăng cường diệt muỗi và lăng quăng.
Biện pháp tốt nhất hiện nay để phòng dịch sốt xuất huyết là phải tăng cường diệt muỗi và lăng quăng.

Tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại tỉnh Vĩnh Long đang diễn biến phức tạp, không ngừng gia tăng số ca mắc, trong đó, bệnh nặng chiếm tỷ lệ khá cao và tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh ghi nhận trên 600 trường hợp mắc SXH, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trẻ em chiếm trên 50% số ca mắc. Đáng chú ý, trong tháng 6, các ca mắc SXH tăng cao, mỗi tuần ghi nhận trên dưới 100 ca và bệnh nặng chiếm hơn 5% ca mắc.

Dự báo của ngành y tế những tháng còn lại của năm 2022, những tháng cao điểm của mùa mưa, thì số ca mắc sẽ tăng, số ca nặng cũng tăng nếu không quyết liệt hơn nữa trong việc phòng bệnh ngay từ bây giờ.

Với bệnh SXH, hiện nay chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh nên biện pháp tốt nhất là phải tăng cường diệt muỗi và lăng quăng. Để chủ động phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế số ca mắc, số ca nặng và tử vong, ngành y tế Vĩnh Long triển khai chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch. Đồng thời, khuyến cáo người dân cần diệt muỗi, lăng quăng, phòng muỗi đốt bằng cách xịt thuốc, thoa thuốc, phát quang cây cỏ, mặc quần dài, áo dài tay, ngủ mùng.

Các chuyên gia y tế nhận định, dịch SXH năm nay có nhiều trường hợp là trẻ em thừa cân béo phì và phụ nữ mang thai rơi vào nguy kịch. Do đó, việc phát hiện sớm và theo dõi kỹ các nhóm đối tượng này là vô cùng quan trọng. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp SXH nặng, tự điều trị ở nhà không khỏi, khi vào bệnh viện đã tổn thương gan, sau đó là suy đa cơ quan.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Chí Công- Phó Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nhấn mạnh người dân khi có triệu chứng sốt không được chủ quan mà phải đi khám ngay, nhất là trong giai đoạn số ca bệnh SXH đang tăng cao. Lưu ý các dấu hiệu của bệnh SXH khi chuyển nặng, cần đưa đến bệnh viện ngay, gồm sốt cao trên 2 ngày, bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng, ói; tay chân lạnh; lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống. Khi người của trẻ lạnh, tím tay chân hay tái môi thì đã muộn.

Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, một số trường hợp SXH có thể theo dõi tại nhà, tuy nhiên việc theo dõi tại nhà cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

Lau mát tích cực để hạ sốt. Khi cần dùng thuốc để hạ sốt chỉ nên dùng Paracetamol, không nên dùng Aspirin hoặc Ibuprofen. Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, không dùng thức ăn nước uống có màu đỏ, đen, nâu.

Uống nhiều nước để bù vào lượng nước đã mất do sốt cao, ăn uống kém, có thể uống các loại nước dinh dưỡng từ trái cây để cung cấp thêm vitamin, chất khoáng năng lượng.

Liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ và nhập viện khi có dấu hiệu chuyển nặng.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh