Vẫn còn nhiều bậc cha mẹ có quan ngại nhất định về các phản ứng sau tiêm chủng vaccine COVID-19 và lo lắng ảnh hưởng sau này. Bộ Y tế cho biết sẽ sớm tiêm chủng cho trẻ để đạt độ bao phủ trên 90% ngay trong tháng 8/2022.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. |
Vẫn còn nhiều bậc cha mẹ có quan ngại nhất định về các phản ứng sau tiêm chủng vaccine COVID-19 và lo lắng ảnh hưởng sau này. Bộ Y tế cho biết sẽ sớm tiêm chủng cho trẻ để đạt độ bao phủ trên 90% ngay trong tháng 8/2022.
Tại Việt Nam, mặc dù số mắc và tử vong do COVID-19 ở trẻ em thấp hơn so với người lớn, các biểu hiện khi mắc bệnh thường nhẹ hơn, nhiều trường hợp không có triệu chứng nhưng hậu quả của COVID-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe các em.
Chiều 27/6, chia sẻ tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin y tế, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua khi dịch COVID-19 giảm xuống thì tỷ lệ trẻ bị hậu COVID-19 tăng lên, trong đó đặc biệt là nhóm bệnh nhân mắc hội chứng MIS-C.
PGS Trần Minh Điển cho biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số bệnh nhi điều trị hậu COVID-19 trong thời gian qua là 756 lượt bệnh nhân. Trong đó có 283 bệnh nhân mắc MIS-C, chủ yếu là nhóm trẻ từ 5-12 tuổi, có 62,4% trẻ cần điều trị hồi sức.
Theo PGS Trần Minh Điển, tỷ lệ trẻ tử vong do COVID-19 tại bệnh viện rất thấp, chủ yếu trên nền các em bé mắc các bệnh ung thư, teo mật bẩm sinh, suy gan cấp, viêm não.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tại các địa phương, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thực hiện theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định tại trạm y tế xã/phường, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học với 2 loại vaccine là Moderna và Pfizer.
Các điểm tiêm chủng đều sẵn sàng để tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho mọi trẻ em trong độ tuổi.
Công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan. Tiêm vaccine COVID-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội và phát triển khỏe mạnh.
Đồng thời, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này nhằm tăng độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng, giảm lây lan cho những người xung quanh, góp phần tích cực để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Tính đến ngày 26/6/2022, cả nước có hơn 5,6 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (49,1%) được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 và hơn 1,7 triệu trẻ đã hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được ghi nhận với tỷ lệ khoảng 0,4%, thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất, với các triệu chứng như: sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau.
PGS.TS Dương Thị Hồng cho rằng, hiện nay chúng ta đang hết sức nỗ lực đẩy mạnh tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn rất thấp, một phần do các cháu đã mắc COVID-19 và theo hướng dẫn phải có đủ thời gian mới được tiêm mũi vaccine phòng COVID-19.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, ngay cả những trẻ đủ điều kiện tiêm chủng (tức là những trẻ không mắc COVID-19) nhưng các bậc cha mẹ cũng vẫn còn quan ngại nhất định về các phản ứng sau tiêm chủng và lo lắng ảnh hưởng sau này.
“Thực tế một số địa phương, tỷ lệ tiêm chủng cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng đạt dưới 50%. Đây là vấn đề khiến chúng tôi lo lắng để làm sao chúng ta sớm đạt được độ bao phủ tiêm chủng vaccine cho nhóm trẻ từ 5- dưới 12 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải hoàn thành trước tháng 8/2022 để các cháu vào năm học mới với tỷ lệ bao phủ, bảo vệ trước dịch COVID-19. Chúng tôi mong muốn sẽ sớm tiêm chủng cho các cháu đạt độ bao phủ trên 90% ngay trong tháng 8/2022”- PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết.
Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ vừa ghi nhận bằng chứng khoa học từ nghiên cứu của Đan Mạch với gần 600.000 trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm COVID-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc MIS-C ở nhóm đã tiêm vaccine, với tỷ lệ cứ 1 triệu trẻ mắc COVID-19 chỉ có 3 trẻ mắc MIS-C; thấp hơn 15 lần so với nhóm chưa tiêm vaccine COVID-19 với tỷ lệ 1 triệu trẻ mắc COVID-19 có tới 45 trẻ mắc MIS-C. Hiệu quả bảo vệ của vaccine để ngăn ngừa hội chứng MIS-C ở trẻ em nhiễm COVID-19 lên tới trên 90%./.
Theo Minh Khánh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin