Bộ Y tế dự báo chu kỳ dịch sốt xuất huyết (SXH) sẽ rơi vào năm nay. Nguy cơ SXH diễn biến phức tạp, lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. |
Bộ Y tế dự báo chu kỳ dịch sốt xuất huyết (SXH) sẽ rơi vào năm nay. Nguy cơ SXH diễn biến phức tạp, lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn.
Số mắc SXH tăng 97%
Ngày 22/6, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác điều trị SXH trước tình hình số ca mắc mới liên tục tăng cao. So với năm ngoái, từ đầu năm tới nay, số người mắc SXH tăng 97%, số tử vong tăng 24 trường hợp.
Trong những tuần gần đây, số mắc SXH trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Đáng chú ý, tại khu vực miền Nam, số mắc trong tuần này chiếm 81% số mắc cả nước, riêng TP Hồ Chí Minh trong tuần ghi nhận số mắc chiếm 23% số mắc cả nước, 8 tỉnh khu vực miền Nam (An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh) chiếm 69% số mắc trong tuần của cả nước. Số tử vong tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam với 28/29 ca tử vong.
“Dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển. Chúng ta cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình SXH trên cả nước để chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo dự báo, chu kỳ dịch SXH sẽ rơi vào năm nay. Nguy cơ SXH vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn. “Ngay từ khi có dịch SXH rải rác tại một số địa phương, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các sở y tế tăng cường truyền thông, tổ chức phòng, chống dịch tại địa bàn với nhiều biện pháp, trong đó chú ý nhiều biện pháp như phát quang bụi rậm, chú ý nguồn nước sạch” - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước. Số trẻ em tử vong do SXH nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Mặc dù các cơ sở y tế đã được tập huấn nhiều lần về thu dung, điều trị SXH Dengue, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch chồng dịch, nhân viên y tế chưa kịp hồi sức, các cơ sở y tế không được chủ quan. Vì vậy, các địa phương cần nâng cao vai trò truyền thông, hướng dẫn người dân nhận biết triệu chứng và điều trị SXH tại nhà.
Cảnh báo sự nhầm lẫn SXH trong bối cảnh COVID-19
Tại hội nghị tập huấn, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định, nhiều trường hợp bệnh nhân mắc SXH nhưng nhầm lẫn với sốt phát ban, bệnh tay chân miệng, sốt rét, sốt mò, COVID-19 hay các bệnh đường hô hấp khác dẫn tới tâm lý chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh ngay mà tự theo dõi.
Đại diện WHO cho biết, hiện chưa có vắc xin hoặc thuốc điều trị đặc hiệu bệnh SXH, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Đồng thời nhấn mạnh chìa khóa để phòng chống SXH là sự tham gia của cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu sở y tế các địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, có những khẩu hiệu, tờ rơi hướng dẫn cho người dân thực hiện; đồng thời nhấn mạnh tới vai trò thu dung, điều trị và phân độ SXH tại các cơ sở y tế, chuẩn bị phương tiện, vật tư thuốc men sẵn sàng cấp cứu hồi sức, tránh tình trạng để người bệnh bị sốc do SXH.
“Hiện nay, ngành y tế vừa phải đáp ứng mục tiêu kép là tiếp tục chống dịch COVID-19 vừa tăng cường đáp ứng đối với SXH, đặc biệt tại địa bàn miền Nam, miền Trung. Vì vậy, việc tập huấn công tác điều trị rất quan trọng để tiếp tục củng cố kiến thức, năng lực cho các tuyến trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân SXH”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trình bày tại hội nghị tập huấn, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc chẩn đoán và phân loại SXH ban đầu rất quan trọng. Các cán bộ y tế cần chẩn đoán phân biệt COVID-19 cấp tính, sốt phát ban, viêm não, sốc nhiễm khuẩn… phải luôn nghĩ tới bệnh nhân mắc SXH khi bệnh nhân có triệu chứng sốt, để không bỏ qua thời gian điều trị sớm. SXH có biểu hiện như chấm xuất huyết dưới da, ói ra máu, tiểu ra máu… Chỉ định nhập viện với trường hợp sốc, có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm nhanh, trẻ dư cân béo phì, phụ nữ có thai, bệnh lý nền,… Dấu hiệu trẻ SXH trở nặng có thể nhận biết như hết sốt nhưng vẫn lừ đừ, mệt mỏi, quấy khóc, lạnh tím chân tay, mồ hôi, đau bụng. Trẻ có thể xuất huyết như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu, tiểu ra máu. Trẻ có biểu hiện nằm một chỗ không chơi, bỏ ăn, bỏ bú. “Cha mẹ không nên chủ quan khi trẻ gặp các biểu hiện trên, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra, kịp thời chẩn đoán và điều trị”, bác sĩ Minh Tiến khuyến cáo. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin