Bỏ thuốc lá để tránh nguy cơ bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính

03:05, 20/05/2022

Bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những căn bệnh không lây nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. 

Bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những căn bệnh không lây nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Theo số liệu Điều tra quốc gia, ở Việt Nam có đến 4,2% dân số mắc COPD. Tỷ lệ này ngày càng gia tăng do nhiều yếu tố nguy cơ như tiếp xúc với các yếu tố độc hại mà đứng đầu là hút thuốc lá, kế đến là ô nhiễm môi trường.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh, COPD là bệnh lý từ đường hô hấp, được hiểu là sự viêm nhiễm đường thở, tiến triển dai dẳng và kéo dài. Nó sẽ gây ra bệnh lý ở đường hô hấp và bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở, thậm chí có những trường hợp nếu không được xịt những loại thuốc cắt cơn và không có các thuốc điều trị dự phòng kịp thời thì cơn khó thở của bệnh nhân sẽ dẫn đến suy hô hấp, gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, bệnh còn gây ra những biến chứng tại phổi như tràn khí màng phổi hay các biến chứng về tim mạch như suy tim.

Người mắc bệnh COPD thường ở độ tuổi trung niên trở lên. Vì là một bệnh mắc trên cơ quan nguy hiểm, thứ 2 là mắc trên đối tượng cao tuổi, sức đề kháng, thích nghi kém, nên tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh tử thần này phổ biến vẫn là thói quen hút thuốc lá, thuốc lào hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, khí thải công nghiệp…

Ông Lương Văn T. đang điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh (62 tuổi) chia sẻ: “Tui hút thuốc lá từ năm 14 tuổi. Giờ sức khỏe yếu, phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt cần vợ con giúp. Khỏe về nhà được ít hôm là mệt vô nhập viện”.

Để phòng tránh căn bệnh này, bác sĩ khuyến cáo: Tuyệt đối không hút thuốc vì đây là yếu tố hàng đầu gây ra bệnh. Phải giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, giữ ấm họng vào mùa lạnh để phòng tránh những đợt cấp, đợt bội nhiễm có thể tăng nặng; phải đeo khẩu trang. Ngoài ra, cân đối dinh dưỡng cũng là cách để phòng ngừa COPD. Thực phẩm dinh dưỡng cho bệnh nhân cần ưu tiên lựa chọn các loại rau xanh đậm hoặc các loại có màu cam, chất đạm thì ưu tiên cá biển sâu, trứng, sữa... Thăm khám định kỳ, điều trị đúng phác đồ. Với những người trên 40 tuổi thì tầm soát sớm cũng là cách để nhanh chóng làm giảm hệ lụy bệnh lên sức khỏe.

MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh