Bảo vệ sức khỏe cho trẻ khi thời tiết chuyển mùa

03:05, 27/05/2022

Thời tiết nắng nóng xen kẽ những cơn mưa lớn kéo dài làm cho một số bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), các bệnh lý về hô hấp, có thể bùng phát thành dịch.

 

Trẻ em bệnh tay chân miệng được điều trị tại Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long.
Trẻ em bệnh tay chân miệng được điều trị tại Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long.

Thời tiết nắng nóng xen kẽ những cơn mưa lớn kéo dài làm cho một số bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), các bệnh lý về hô hấp, có thể bùng phát thành dịch.

Trong đó, trẻ em do sức đề kháng yếu nên là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh và chuyển nặng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì thế, bên cạnh sự giám sát, chủ động phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe của trẻ và gia đình.

Không để SXH lây lan thành dịch

Trước tình hình bệnh SXH có chiều hướng tăng, ngành y tế Vĩnh Long đang tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng chống, nhằm không để số ca mắc gia tăng và bùng phát dịch. Tính đến giữa tháng 5, Vĩnh Long ghi nhận trên 140 trường hợp mắc SXH. Tuy giảm hơn 50% so cùng kỳ năm trước nhưng số ca mắc lại tập trung vào tháng 4, tháng 5 và đang có chiều hướng tăng. Bệnh không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà người lớn mắc SXH chiếm tỷ lệ khá cao. Trong đó, có nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị tích cực.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc CDC tỉnh, cho biết: “Để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch SXH, CDC tăng cường giám sát về muỗi về ca bệnh và theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch để phát hiện nguy cơ, đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời như phát hiện sớm ổ dịch nhỏ không để lây lan thành dịch lớn”.

Ghi nhận liên tục 6 ca mắc SXH, xã Tường Lộc (Tam Bình) chiếm hơn 30% số ca mắc SXH toàn huyện. Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh, địa phương đang triển khai các giải pháp diệt muỗi, lăng quăng. Điều dưỡng Nguyễn Hữu Thào- Phó Trưởng Trạm Y tế xã Tường Lộc, cho biết: “Trước tình hình đó, Trạm Y tế cử cán bộ chuyên trách tuyên truyền vận động những hộ dân xung quanh tăng cường ý thức phòng bệnh cho cộng đồng. Bên cạnh biện pháp diệt lăng quăng, chúng tôi cũng kết hợp Trung tâm Y tế huyện phun hóa chất những trường hợp cần thiết ở những hộ xung quanh các ca mắc bệnh để diệt mầm bệnh”.

Bệnh SXH hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, lăng quăng và phòng muỗi đốt. Người dân cần thường xuyên xóa môi trường sinh sản của muỗi hàng tuần và diệt muỗi, lăng quăng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, không để SXH lây lan thành dịch.

Dập các ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ bằng cách phun hóa chất diệt muỗi.
Dập các ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ bằng cách phun hóa chất diệt muỗi.

Phòng các bệnh lý cho trẻ khi thời tiết chuyển mùa

Viêm đường hô hấp là căn bệnh rất hay xảy ra ở trẻ em. Nhất là khi thời tiết mưa nhiều, không khí lạnh hơn, độ ẩm tăng cao tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, đặc biệt là các chủng vi khuẩn trú ngụ ở đường hô hấp gây bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, các bệnh viêm đường hô hấp thường có các triệu chứng chung là: sốt, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khạc đàm… Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm chuyển mùa. Nếu không được phát hiện sớm bệnh có thể diễn biến nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp cấp, viêm phổi, áp xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi. Vì vậy, cha mẹ nên theo dõi trẻ sát sao khi có những dấu hiệu khác thường, đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để điều trị đúng và kịp thời. Trẻ cần được tiêm ngừa đầy đủ, nhất là các bệnh thường gặp lúc giao mùa.

TCM là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát thường vào khoảng tháng 3- 5 và tháng 8- 9.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Hùng Dũng- Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết phụ huynh thường lo lắng khi trẻ nổi nhiều mụn nước nhưng điều này cho thấy tình trạng bệnh nhẹ hơn so với nổi các mụn nước ẩn dưới da. Cách điều trị sai lầm mà hầu hết các bậc phụ huynh thường hay mắc phải chính là bôi thuốc màu lên các mụn bỏng nước, làm che khuất hình dạng, gây ra nhiều khó khăn khi bác sĩ thăm khám và xác định nguyên nhân gây bệnh.

Theo bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng, bệnh TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Điều nguy hiểm ở căn bệnh này là hiện chưa có vắc xin ngừa bệnh, cũng như không có thuốc điều trị đặc hiệu. Một số trường hợp, bệnh có thể diễn tiến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não- màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Hơn nữa, bệnh lây nhiễm khá nhanh và có khả năng gây thành dịch lớn.

Cùng với dịch COVID-19, một số bệnh lý chuyển mùa nguy hiểm nếu không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng sức khỏe người dân. Vì vậy, ngoài các hoạt động mà ngành y tế triển khai, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bệnh TCM lây truyền qua đường ăn uống, tiếp xúc với chất thải. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh, đặc biệt ở các gia đình có con nhỏ, bác sĩ khuyến cáo phải thực hiện tốt 3 sạch: ăn, uống sạch; ở sạch; bàn tay, đồ chơi sạch. Thường xuyên rửa tay bằng xà bông sát khuẩn, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh